- 420k
- 1k
- 870
Trong báo cáo, Tổng giám đốc ILO, Juan Somavia cho biết, nạn suy thoái kinh tế thế giới đã gây ra cuộc khủng hoảng việc làm sâu rộng dẫn đến một sự suy thoái ngày càng tăng về xã hội trên khắp thế giới. Nạn thất nghiệp sẽ tiếp tục gia tăng cho đến tận cuối năm 2010, có thể là năm 2011.
Những tháng qua đã chứng kiến sự sụt giảm nhanh chóng và đồng loạt vốn đầu tư, tiêu dùng, sản xuất và thương mại ở cấp quốc tế, dẫn đến mất công ăn việc làm hàng loạt tại nhiều nước. Bất kỳ một sự phục hồi nào cũng đều phụ thuộc vào kết quả của các kế hoạch khác nhau của các quốc gia và sự tái ổn định lĩnh vực tài chính.
Kinh nghiệm từ các cuộc khủng hoảng trước đây cho thấy, ngay cả khi có sự phục hồi kinh tế thì thì sự phục hồi về việc làm cũng chỉ diễn ra sau một thời kỳ từ 4 đến 5 năm. Do cuộc khủng hoảng hiện nay rất sâu sắc, nghiêm trọng nhất kể từ cuộc đại suy thoái những năm 1930, và tỷ lệ thất nghiệp vốn đã cao từ trước khi nổ ra khủng hoảng, nên dự đoán trên ít ra vẫn là lạc quan.
Theo dự đoán của ILO, tỷ lệ thất nhiệp trên thế giới sẽ lên tới 7,4% trong năm nay, có nghĩa là thêm 59 triệu người lao động mất việc làm, đưa tổng số người thất nghiệp trên thế giới lên 239 triệu, lần đầu tiên vượt quá ngưỡng 7%.
Tỷ lệ người nghèo và những người sống với chưa đầy 2 USD/ngày trên thế giới trong năm nay có thể tăng gần 200 triệu người so với năm 2007.
Đồng thời, số người sống với 1,25 USD/ngày trên thế giới sẽ tăng 53 triệu. Theo Tổ chức Lương Nông LHQ (FAO), thay vì tiến tới gần mục tiêu giảm một nửa số người suy dinh dưỡng từ nay đến năm 2015, sự suy thoái kinh tế hiện nay đã làm giá lương thực leo thang dẫn đến hàng tỷ người bị đói.
Số thanh niên mất việc làm trong năm nay tăng gần 17 triệu, đưa tỷ lệ thất nghiệp trong thanh niên từ 12% năm 2008 lên 15% năm 2009. Ngay cả tại 30 nước được coi là phát triển trong Tổ chức hợp tác và phát triển kinh tế (OCDE), một nửa số người thất nghiệp không nhận được trợ cấp thất nghiệp.
Tại phần lớn các nước đang phát triển, không có trợ cấp thất nghiệp. Trên thế giới, cứ 10 người thất nghiệp thì 8 người không được hưởng một bảo hiểm nào. Tại các nước phát triển thuộc OCDE, năm 2008, hơn 7 triệu người lao động thất nghiệp.
Tại Mỹ, 5,4 triệu người bị mất việc làm từ tháng 7/2008 đến tháng 2/2009, đưa tỷ lệ người thất nghiệp lên tới 8,5% . Tại Tây Ban Nha, chỉ riêng quí 1/2009, tỷ lệ thất nghiệp đã lên tới 17,4%, tức là 4 triệu người thất nghiệp.
Tại Ireland, đến tháng 2/2009, tỷ lệ thất nghiệp lên tới hơn 10%. Tại châu Âu, nạn thất nghiệp tại 16 nước sử dụng đồng euro vượt quá 9,2%, mức cao nhất từ 10 năm nay với 3,1 triệu người bị mất việc làm từ tháng 4/2008 đến tháng 4/2009.
Tại Nga, từ tháng 5/2008 đến tháng 1/2009, số người thất nghiệp tăng thêm 2 triệu. Tại Hàn Quốc, từ tháng 6/2008 đến tháng 2/2009, 1,2 triệu người bị mất việc làm.
Tại các nước đang phát triển, tình hình còn tồi tệ hơn, với nhiều triệu người bị mất việc làm. Theo báo cáo của TIO, khoảng 20 triệu người lao động Trung Quốc buộc phải di cư từ các vùng xuất khẩu công nghiệp ven biển tới các tỉnh nông thôn phía Tây. Các nước Nam Á và Nam Mỹ hoặc Trung Mỹ có nhiều người sống dựa vào tiền của những người di cư gửi về bị ảnh hưởng mạnh mẽ do những người di cư này bị thất nghiệp phải trở về.
Báo cáo của ILO đặc biệt cảnh báo những hậu quả từ cuộc khủng hoảng đối với người lao động trẻ và lưu ý rằng, từ nay đến năm 2015, nền kinh tế thế giới phải tạo được thêm 300 triệu công ăn việc làmthì mới đáp ứng được nhu cầu về việc làm cho thanh niên ở độ tuổi lao động.
Thay vì điều đó, hiện nay, chủ nghĩa tư bản thế giới đang hủy số công ăn việc làm còn lớn hơn. Hàng chục triệu thanh niên sắp ra trường sẽ khó tìm được việc làm. Nguy cơ thuê trẻ em làm việc bí mật hoặc bất hợp pháp với giá rẻ đang gia tăng.
ILO cho rằng, cuộc khủng hoảng việc làm kéo dài chứa đựng những nguy cơ lớn đối với sự ổn định chính trị - xã hội và đe dọa chế độ.
Người ta chỉ có thể chống lại được tình hình này bằng cách tiến hành cuộc đấu tranh quốc tế để hợp nhất tầng lớp công nhân trên cơ sở một chương trình xã hội chủ nghĩa nhằm chấm dứt hệ thống tư bản dựa trên lợi nhuận và xây dựng một xã hội mới dựa vào sự bình đẳng và sử dụng các nguồn của thế giới để trợ giúp những nhu cầu của con người.
(Theo KTDT)