- 420k
- 1k
- 870
Tiền bạc là một vấn đề tế nhị, nên ứng viên thường e dè khi trả lời câu hỏi về mức lương. Nói ra một con số cụ thể, cao hơn thì sợ bị loại, thấp hơn thì sợ bị lỗ. Vậy phải trả lời sao cho tốt nhất đây? Đừng lo lắng, quân sư TalentBold sẽ bật mí cách trả lời phỏng vấn về mức lương mong muốn thông minh, giúp bạn tối ưu lợi ích tài chính khi ứng tuyển ngay bây giờ.
Trong cuộc sống và các mối quan hệ xã hội, đụng đến tiền bạc đều là vấn đề tế nhị. Trong công việc, mặc dù lương là quyền lợi chính đáng mà người lao động nhận được, nhưng trả lời câu hỏi về mức lương vẫn có nhiều lý do khiến ứng viên lưỡng lự khi trả lời:
Ứng viên sẽ khó có thông tin về lương cụ thể tại vị trí mình ứng tuyển mà doanh nghiệp đang trả cho các nhân sự hiện thời. Mức lương lại là sự thỏa thuận, nên một khi đã đồng ý thì dù lúc vào làm phát hiện mình thương lượng lương thấp quá thì hoặc chấp nhận, hoặc xin thương lượng lại, nếu không được thì đành tìm nơi làm việc khác. Dù là thế nào thì bao công sức ứng tuyển cũng có thể bị tan biến. Do đó, ứng viên ngại trả lời con số trực tiếp vì sợ bị thiệt thòi.
Bên cạnh năng lực thì yêu cầu về mức lương cũng khiến nhà tuyển dụng cân nhắc chọn ai bỏ ai. Đề nghị mức lương tốt, hoặc đôi khi áp theo mức lương từ doanh nghiệp khác, bạn có thể đang đặt ra mức chi ngân sách lương cao hơn những đối thủ khác, cùng năng lực, hoặc thấp hơn bạn một chút thôi. Như vậy, cơ hội trúng tuyển bị vụt mất trong tích tắc.
Một khi bạn tha thiết làm việc tại doanh nghiệp nào, bạn sẽ luôn muốn duy trì ấn tượng tốt nhất.Việc đàm phán lương không khéo có thể khiến nhà tuyển dụng có cảm giác bạn nghĩ đến quyền lợi nhiều hơn là cống hiến cho doanh nghiệp.
Do vậy, câu hỏi này thường khiến ứng viên ấp úng, ngại trả lời thẳng, dành nhiều thời gian để suy xét hơn. Sự do dự đôi khi khiến nhà tuyển dụng mất ấn tượng về tố chất tự tin từ đầu buổi phỏng vấn, như vậy sẽ rất đáng tiếc. Chính vì vậy, quân sư TalentBold quyết định đăng bài viết này để chia sẻ bí kíp đến các bạn đây.
>>>> Xem thêm: Lương - Bạn đàm phán quyền lợi cho mình thế nào khi đi phỏng vấn?
Đàm phán lương là một nghệ thuật, muốn trở thành một “nghệ sĩ” đàm phán giỏi, bạn cần chỉnh chu từ khâu chuẩn bị, khâu thực hành,đến khâu tác chiến. Và đây là những bí kíp quân sư TalentBold muốn gửi đến bạn:
Thông qua những trang web tuyển dụng trực tuyến như Careerbuilder, Vietnamworks, hoặc đặt câu hỏi cho những diễn đàn nghề nghiệp, bạn sẽ thuận lợi có trong tay mặt bằng lương thị trường tương thích vị trí ứng tuyển. Ngày trước, thời quân sư mới ra trường, công nghệ tìm việc chưa phát triển như bây giờ, rất khó có được những thông tin này, vì vậy, giờ được hỗ trợ tốt rồi, bạn đừng bỏ qua nhé.
Dựa trên thông tin có được, kết hợp khối lượng nhiệm vụ mà nhà tuyển dụng thể hiện trong bản tin đăng tuyển, bạn hãy cân nhắc mức lương hoặc thu nhập mà bạn có thể chấp nhận được. Kinh nghiệm là bạn nên nâng lên thêm một chút, vì công việc cụ thể chắc chắn sẽ nhiều hơn phần tin đăng tuyển mà bạn đọc được.
Tham khảo các câu trả lời mức lương hay trên mạng, tự đặt mình vào nhiều tình huống và soạn những câu trả lời chất lượng. Câu trả lời cần sát điều kiện thực tế của bạn, từ kinh nghiệm, học vấn, kỹ năng, để vừa đàm phán lương, vừa nổi bật sự vượt trội của bạn so với các đối thủ cạnh tranh.
Học thuộc câu trả lời là lời khuyên mà quân sư TalentBold muốn gửi đến bạn. Trong quá trình phỏng vấn, rất nhiều tình huống giao tiếp, tương tác sẽ khiến bạn bị phân tâm. Học thuộc, tới lúc đó quên một ít là vừa.
Thuộc lòng rồi, bạn hãy thử trả lời trước gương, đánh giá biểu cảm, ánh mắt, ngôn ngữ hình thể của mình và điều chỉnh cho thật tự tin, bình tĩnh. Nhà tuyển dụng sẽ nhìn rất kỹ ánh mắt của bạn khi trả lời câu hỏi này, vì thông qua ánh mắt, họ có thể biết bạn đang quyết liệt, đang ngại ngùng, đang do dự hay không để biết nên đồng ý, hay điều chỉnh lên xuống.
Bạn hoàn toàn có thể đề nghị nhà tuyển dụng đưa ra đề xuất mức lương trước, vì hơn ai hết, họ biết mức lương thế nào là tương xứng với yêu cầu công việc, lương bao nhiêu có thể giữ chân nhân tài hiệu quả. Không có một sự chắc chắn nào là nhà tuyển dụng sẽ đưa ra đúng mức lương họ đang trả.
Nếu họ thấy bạn quá giỏi, họ sẽ nói cao hơn một chút. Thấy bạn đáp ứng tốt, họ sẽ nói đúng mức lương. Còn nếu thấy bạn có tố chất,nhưng cần đào tạo thêm, họ sẽ hạ thấp một chút. Do vậy, hãy vững lòng, lương mà nhà tuyển dụng đề xuât chỉ là mốc để bạn tham khảo, không nhất thiết phải đồng ý ngay.
Trước khi đưa ra mức lương mà mình mong muốn, bạn nên cân nhắc về khối lượng và chất lượng công việc. Bạn có thể hỏi nhà tuyển dụng một số thông tin về yêu cầu công việc, nên hỏi những gì chưa được trao đổi, hoặc chưa rõ trong quá trình phỏng vấn thôi bạn nhé.
Hỏi những cái mới thì được đánh giá là người có sự quan tâm đến công việc, có trách nhiệm với doanh nghiệp. Nhưng hỏi cái đã trao đổi rõ rồi sẽ bị đánh giá ngược lại là người thiếu sự chú tâm, người hay quên.
Nếu bạn tự tin năng lực của mình, một chút suy tư trước khi đưa ra quyết định còn có tác dụng tạo đòn tâm lý để nhà tuyển dụng thấy họ mà không giữ bạn, tài năng của bạn có thể sẽ thuộc về doanh nghiệp đối thủ.
Nhà tuyển dụng rất có thể sẽ hỏi về mức lương của bạn ở công ty cũ. Bạn hãy trả lời trung thực, vì họ hoàn toàn có thể kiểm tra sự chuẩn xác. Nhưng kèm theo đó, đừng quên đề cập những phúc lợi, lương thưởng, hoặc những chính sách chăm sóc nhân sự mà bạn đã nhận được từ đó.
Cần chuẩn bị tình huống, nhà tuyển dụng hỏi lại “Chính sách tốt vậy, sao bạn không làm tiếp?”, những lý do có thể đưa ra là:
Tôi muốn tìm kiếm cơ hội thăng tiến trong nghề nghiệp nhưng công ty lại không có chính sách đề bạt nội bộ theo năng lực, mà phải theo thâm niên.
Tôi chỉ có thể đi công tác xa 1 – 2 lần mỗi tháng, không đáp ứng được yêu cầu mới phải đi công tác xa thường xuyên dài ngày.
Tôi muốn tìm một nơi công tác gần nhà để tiện chăm sóc gia đình…
Khoan từ chối khi lương đề nghị thấp
Khi nhà tuyển dụng chốt cho bạn một mức lương thấp, đừng vội từ chối. Hãy hỏi thêm họ có những phúc lợi gì đi kèm hay không. Nhiều nơi lương thấp nhưng tỷ lệ thưởng % rất cao, họ muốn dùng cách này để khích lệ nhân viên nỗ lực, nên tổng thu nhập đôi khi còn cao hơn kỳ vọng của bạn nữa.
Nếu mức lương thấp mà phúc lợi cũng không vượt trội, bạn có thể xin phép suy nghĩ thêm, sẽ hồi âm sớm đến nhà tuyển dụng thông qua email hoặc điện thoại. Nếu chọn cách này thì đừng quên xin thông tin liên lạc của người trực tiếp phỏng vấn bạn, bạn nhé!
>>> Có thể bạn quan tâm: Bí kíp đàm phán lương hiệu quả cho lao động nữ
Doanh nghiệp cùng ngành có nơi mạnh, nơi yếu, có nơi trả lương cao, nơi thì chưa đủ điều kiện như vậy. Việc so sánh nơi này nơi nọ với doanh nghiệp mà bạn đang ứng tuyển trước khi đề xuất lương chỉ khiến người phỏng vấn khó chịu, thậm chí tự ái,và có cảm giác bạn là người hay “đứng núi này, trông núi nọ”
Bạn đề nghị mức lương cao, để tăng thêm sức thuyết phục, bạn bắt đầu kể lể việc sẽ phải đảm nhận nhiều hơn nơi làm cũ, phải tăng ca thường xuyên, áp lực lớn… Chắc chắn bạn sẽ nhận phản ứng ngược lại khi cho nhà tuyển dụng có lý do để nghĩ bạn là người hay than vãn, sẽ khó gắn kết lâu dài cùng tổ chức.
Mọi lời hứa cống hiến lúc này đều chưa có cơ sở để chứng minh, vì vậy, hứa càng nhiều sẽ càng khiến nhà tuyển dụng nghi ngờ về khả năng thực hiện tất cả lời hứa của bạn. Trong mắt họ lúc này, bạn chỉ đang ráng làm họ hài lòng để chấp nhận mức lương mà bạn đề xuất thôi.
Tình huống thực tế bạn phải đối mặt khi đàm phán lương sẽ rất đa dạng. Do đó, những bật mí cách trả lời phỏng vấn về mức lương mong muốn thông minh mà quân sư TalentBold gửi đến cũng linh hoạt không kém. Một mức lương tốt không hẳn là mức lương cao nhất, mà là mức lương tương xứng hoặc cao hơn những gì bạn cống hiến cho doanh nghiệp. Thu thập thông tin mặt bằng lương, bình tĩnh đánh giá mức độ nhiệm vụ phải đảm nhận,kết hợp những bật mí quân sư đã chia sẻ, câu hỏi có phần tế nhị này sẽ không còn là trở ngại của bạn khi tham gia phỏng vấn nữa.
------------------------------------
Chi tiết liên hệ:
Talentbold - We bold your talents
Hotline: 077 259 1080
Mail: sales@talentbold.com
Add: Tầng 12A.3, Tòa MD Complex, 68 Nguyễn Cơ Thạch, Nam Từ Liêm, Hà Nội, Việt Nam