- 420k
- 1k
- 870
Trong quá trình làm việc, trải qua thời gian dài phấn đấu, mọi người lao động đều mong muốn được tổ chức thăng chức để sở hữu cấp bậc chuyên môn cao hơn, có thu nhập tốt hơn. Tuy nhiên, trong một tập thể chỉ chọn đề bạt 1 – 2 người. Làm sao để giành thành công suất đề bạt này? Quân sư TalentBold sẽ chia sẻ các cách để nhanh chóng được thăng chức, dù bạn làm việc ở ngành nghề chuyên môn nào cũng có thể áp dụng thuận lợi.
MỤC LỤC
1 - Thăng chức là gì?
2 - Ưu và nhược điểm của việc được thăng chức
2.1. Đối với cá nhân
2.2. Đối với doanh nghiệp
3 - Cách để nhanh chóng được thăng chức
Thăng chức là việc một cá nhân được doanh nghiệp bổ nhiệm lên vị trí cấp bậc cao hơn, kèm theo đó là sự nâng cao những quyền lợi, trách nhiệm, quyền lực, chức danh liên quan đến công việc chuyên môn của cá nhân đó.
Để quyết định thăng chức cho một nhân sự, ban lãnh đạo doanh nghiệp phải cân nhắc rất kỹ cả về kinh nghiệm làm việc và khả năng quản lý. Do đó, đây là một quá trình có sự cạnh tranh cao, đòi hỏi các nhân sự giỏi phải thể hiện năng lực trong suốt thời gian dài trước khi cơ hội thăng chức xuất hiện.
Thăng chức là một cột mốc đánh dấu sự phát triển trong sự nghiệp của mỗi người. Tuy vậy, cột mốc này cũng sở hữu những ưu nhược điểm dành cho cả doanh nghiệp và cá nhân được thăng chức:
+ Nâng tầm vị thế trong tổ chức
Chức danh cao hơn, quyền lực cao hơn, tiếng nói của bạn sẽ có trọng lượng hơn trong tổ chức. Đồng nghĩa những quyết định của bạn được nâng tầm giá trị, đặc biệt khi liên quan đến chiến lược phát triển trong chuyên môn của bạn thì ban lãnh đạo luôn ưu tiên chọn ý kiến tham mưu mà bạn đóng góp.
+ Cải thiện thu nhập, quyền lợi
Tiền lương hằng tháng, tiền phụ cấp chức vụ, tiền phúc lợi theo cấp bậc… tất cả đều sẽ tăng tỷ lệ thuận cùng cấp bậc mà bạn được thăng chức. Thu nhập cải thiện hơn, cuộc sống vật chất ổn định hơn, đời sống tinh thần cũng có nhiều điều kiện để chăm lo hơn.
+ Minh chứng cho năng lực chuyên sâu
Chưa cần biết bạn giỏi giang thế nào, chỉ cần nghe chức danh mà bạn đang đảm nhận, mọi người xung quanh đã có thể định lượng được thâm niên làm việc, kinh nghiệm và năng lực chuyên môn của bạn rồi.
+ Trọng trách nhiều, áp lực tăng
Quyền lợi luôn đi kèm trách nhiệm. Trước đây chỉ là nhân viên, bạn chỉ có trách nhiệm với phần việc mà bản thân được giao. Còn giờ đã được thăng chức quản lý, toàn bộ việc của các nhân sự dưới quyền, bạn đều phải có liên quan trách nhiệm vì bạn chính là người kiến tạo, phân công nhiệm vụ và chỉ đạo thực hiện.
+ Chịu trách nhiệm cao nhất đội ngũ
Dù là nhân viên dưới quyền làm sai, thì người quản lý cũng sẽ phải chịu một phần trách nhiệm. Bạn sẽ phải giải trình trước ban lãnh đạo, phải chia sẻ rủi ro bồi thường sai sót, phải ưu tư việc có nên điều chuyển nhân viên phạm sai sót đi không… Rất nhiều vấn đề khiến bản thân đau đầu.
+ Rủi ro rời doanh nghiệp khi không hoàn thành nhiệm vụ
Các chiến lược phát triển đều mang tính dự đoán, ước lượng. Nếu những tham mưu chuyên môn của bạn đi sai hướng, gây thiệt hại cho doanh nghiệp, có thể bạn sẽ được đề nghị xin từ chức, rời khỏi doanh nghiệp. Khi đó, bạn sẽ phải xin việc ở một tổ chức khác. Nếu doanh nghiệp cũ là một thương hiệu lớn trong ngành, rất có thể những sai sót của bạn đã được truyền ra ngoài. Tìm được công việc mới như ý cũng sẽ là một thách thức.
+ Tuyển dụng nhân sự phù hợp cao cho vị trí cao cấp
Thăng chức nhân viên nội bộ giúp doanh nghiệp an tâm về năng lực chuyên môn và khả năng thích ứng công việc ngay và luôn. Qu á trình tuyển dụng diễn ra nhanh chóng, nguồn lực tuyển dụng tiết kiệm tối đa, mà chất lượng nhân sự thì hoàn toàn an tâm.
+ Giữ chân nhân tài lâu dài
Những nhân sự giỏi là nguồn tài nguyên vô giá của tổ chức. Thăng chức chính là một trong những cách hiệu quả nhất trong việc giữ chân nhân tài.
+ Hạn chế sự cải tiến trong hoạt động
Nhân sự làm việc lâu tại doanh nghiệp đã quen với nếp làm việc, cách thức cải tiến của tổ chức rồi. Vì vậy, khi được thăng chức, những đường lối quản lý công việc ít khi có những sáng kiến đột phá, khó tạo đà phát triển mạnh cho doanh nghiệp.
+ Dễ phát sinh tị nạnh trong tập thể
Nhân tài trong cùng một chuyên môn khá nhiều. Trừ khi nhân sự thăng chức có năng lực vượt trội rõ ràng, còn không công tác đánh giá, quyết định phải thật cẩn trọng, minh bạch, công bằng. Nếu không những nhân sự giỏi không được đề bạt có thể tị nạnh, cảm thấy bất công. Họ có thể không hợp tác cùng quản lý mới được thăng chức, hoặc xin chuyển việc.
Danh sách ứng viên tiềm năng khi cân nhắc thăng chức, chắc chắn sẽ không chỉ có mình bạn. Vì vậy, để giúp bạn nâng cao vị thế cạnh tranh cho bản thân, cũng là giúp doanh nghiệp đỡ vất vả hơn khi cân nhắc, quân sư đã tổng hợp các cách để nhanh chóng được thăng chức và chia sẻ ngay dưới đây:
Với tâm lý mong muốn thăng chức nhanh, chúng ta rất dễ vừa làm việc, vừa mong ngóng cơ hội thể hiện bản thân. Dẫn đến chất lượng công việc không hoàn thành như kỳ vọng. Lời khuyên của quân sư TalentBold là mỗi cá nhân hãy chuyên tâm làm tốt công việc hiện tại của mình trước đã.
Bởi lẽ, những điều kiện có thể giúp bạn được thăng chức không phải là thành tích trong ngày một ngày hai, cũng không phải bạn chăm chút theo dõi nó là nó sẽ đến. Tập trung làm tốt công việc hiện tại, trau dồi chuyên môn liên tục, dù doanh nghiệp không đề bạt bạn thăng chức thì bạn vẫn có đủ điều kiện để ứng tuyển cấp bậc cao hơn ở doanh nghiệp khác. Nhiều khi còn nhanh hơn là chờ thăng chức ở nơi cũ.
Một nhân viên an phận, quản lý giao gì làm đó, hoặc chỉ nhận phần việc như thỏa thuận trong hợp đồng lao động sẽ không tạo được dấu ấn tốt về sự năng nổ, nhiệt tình. Nếu chọn họ, tương lai doanh nghiệp sẽ có một bộ phận lề mề, không sáng tạo, không đổi mới, thì làm sao có năng lực cạnh tranh trên thương trường.
Chính vì vậy, hãy chứng tỏ mình là một người luôn không ngừng học hỏi, hoàn thiện bản thân bằng cách sẵn sàng đảm nhiệm thêm các nhiệm vụ mới trong phạm vi năng lực cho phép. Quân sư nhấn mạnh “phạm vi năng lực cho phép” vì nếu bạn nhận nhiều việc trong khi bản thân đã quá bận rộn, rất có thể công việc chính thì không trọn vẹn, công việc nhận thêm cũng không hoàn thành tốt. Lợi bất cập hại. Tốt nhất, bạn nên nhận thêm việc có cùng tính chất (ví dụ cùng một sản phẩm, cùng một khách hàng…) để có thể cùng lúc xử lý nhiều việc mà không phải nghiên cứu, xoay chuyển nội dung liên tục.
Thường sau 2 – 3 năm là nhân viên đã tích lũy đủ kinh nghiệm chuyên môn cho một vị trí cấp bậc cao hơn. Nếu nhận thấy:
Vị trí cao cấp hơn đang để trống, hoặc doanh nghiệp đang tuyển dụng người thay mà chưa được
Yêu cầu công việc đòi hỏi nên thành lập một bộ phận chuyên trách riêng để chuyên môn hóa nghiệp vụ
Bạn có thể gặp riêng cấp trên để đề nghị đề bạt bạn vào vị trí còn trống hoặc để bạn quản lý bộ phận chuyên trách mới. Lưu ý, mọi lời đề nghị phải đi kèm dẫn chứng năng lực và minh chứng độ tương thích chuyên môn cao của bản thân thì mới đủ sức thuyết phục. Trường hợp bị từ chối, bạn cũng đừng tỏ thái độ khó chịu, hãy cứ làm việc thật tốt như bình thường, bên ngoài doanh nghiệp vẫn còn rất nhiều cơ hội đang chờ bạn, cứ âm thầm thử ứng tuyển bạn nhé.
Rất có thể khi đang cân nhắc nên chọn ai để đề bạt thăng chức, doanh nghiệp sẽ gặp riêng từng ứng viên tiềm năng để mỗi người tự chứng minh khả năng vượt trội của mình so với đồng nghiệp. Đây là cơ hội giành lấy suất thăng chức mà bao người mơ ước.
Tuy nhiên, nhiều bạn sẽ đợi đến khi được hẹn gặp mới bắt đầu ngồi nhớ lại xem mình hay ở điểm nào, giỏi ở điểm nào. Chắc chắn sẽ thiếu sót rất nhiều, vì vậy, một khi đã biết được doanh nghiệp có chính sách đề bạt nội bộ, biết được lộ trình thăng tiến trong tổ chức, bạn nên có sự tổng hợp bằng chứng khả năng làm việc ngay từ sớm.
Thể hiện chuyên môn linh hoạt khi giải quyết vấn đề trong công việc
Lưu trữ mọi email khen ngợi, đánh giá cao của khách hàng
Nỗ lực tham gia các hoạt động có khen thưởng, có bằng chứng nhận của doanh nghiệp hoặc trong ngành
Khéo léo chia sẻ những thành tích và khó khăn trong công việc mà mình đã giải quyết êm ru. Nhớ là khéo léo bạn nhé, nếu không sẽ trở thành khoe khoang
Bổ sung chứng chỉ nghiệp vụ chuyên môn cần thiết…
Nếu có thể tìm hiểu được, bạn nên lấy lịch sử thăng chức của cấp trên để làm tài liệu cho mình. Qua đó, nắm rõ các điều kiện vượt trội đã giúp cấp trên được thăng tiến, từ đó lên kế hoạch chinh phục sớm những điều kiện đó.
Thăng chức không phải là một thời điểm mà là cả một quá trình tích lũy được ban lãnh đạo đánh giá, xem xét. Vì vậy, các cách để nhanh chóng được thăng chức để cập trong bài viết đều hướng đến sự chuyên tâm phấn đấu lâu dài. Quân sư TalentBold tin tưởng rằng, một khi bạn nỗ lực phấn đấu trong công việc, không ngừng phát triển chuyên sâu nghiệp vụ, gặt hái thành tích cho tổ chức thì không doanh nghiệp nào không muốn thăng chức, tăng phúc lợi để giữ chân bạn cả.
------------------------------------
Chi tiết liên hệ:
Talentbold - We bold your talents
Hotline: 077 259 1080
Mail: sales@talentbold.com
Add: Tầng 12A.3, Tòa MD Complex, 68 Nguyễn Cơ Thạch, Nam Từ Liêm, Hà Nội, Việt Nam