- 420k
- 1k
- 870
Đi học, chúng ta có thể chọn bạn mà chơi nhưng đi làm rồi thì không được chọn mà phải chấp nhận theo sự phân bổ từ ban lãnh đạo. Trường hợp gặp được Sếp và đồng nghiệp hợp tính thì thật tốt, nhưng nếu ngược lại thì sao? Thì chúng ta vẫn phải tìm cách hòa hợp với mọi người để đảm bảo hiệu suất công việc, đây cũng là một kỹ năng mềm rất hữu ích cho cuộc sống. Và dưới đây là những cách làm việc hiệu quả với Sếp và đồng nghiệp khó tính mà Quân Sư TalentBold đã sàng lọc, khả thi áp dụng trong nhiều môi trường công sở khác nhau.
Mục Lục:
1. Những đặc điểm nổi bật của Sếp hay đồng nghiệp khó tính
1.1. Đối với Sếp
1.2. Đối với đồng nghiệp
2. Vì sao cần học cách hòa nhập tốt với Sếp hay đồng nghiệp khó tính?
3. Bí kíp làm việc hiệu quả với Sếp và đồng nghiệp khó tính
Biểu hiện khó tính của một người sẽ có sự khác biệt tùy theo từng môi trường mà họ sinh hoạt, thể hiện cảm xúc. Đối với môi trường công sở, nơi hiệu quả công việc là yếu tố ưu tiên thì Sếp hay đồng nghiệp khó tính sẽ được nhận biết ở những điểm sau:
Yêu cầu hoàn thành công việc ở mức cao, gần như muốn nhân viên phải gác hết việc riêng để cống hiến cả ngày dài cho nhiệm vụ Sếp giao
Đúng thì không thấy khen ngợi mà hễ sai là trách cứ đủ đường, cố tỏ vẻ bản thân Sếp đầy kinh nghiệm kiểu “cái này quá đơn giản mà em lại làm sai, anh chỉ cần vài phút là xử lý xong”
Ít chịu lắng nghe, hay phản bác cấp dưới với những luận điểm có phần coi thường năng lực và những ý kiến đóng góp của cấp dưới.
Bắt nhân viên phải triển khai công việc theo cách và theo mệnh lệnh của Sếp chứ không được làm theo cách khác cho dù cách khác hiệu quả có khi còn cao hơn.
Tỉ mỉ giám sát nhân viên làm việc như một “camera chạy bằng cơm”, một con muỗi cũng khó lọt qua được, làm cho nhân viên cảm thấy rất gò bó, cứng nhắc.
Tính cách tự phụ, dễ mất bình tĩnh nên hay nổi cáu, ít khi thông cảm cho nhân viên mặc dù trước đây Sếp cũng từng đi lên từ vị trí nhân viên đó.
Tị nạnh, ganh đua không lành mạnh nên hày chê bai, phản bác “dìm hàng” ý kiến của đồng nghiệp
Thiếu sự linh hoạt trong xử lý công việc nhưng lại thoái thác trách nhiệm, đổ lỗi do đồng đội không hợp tác tốt.
“Vạch lá tìm sâu”, bản thân sai chối bỏ, còn người khác sai dù là nhỏ thì đồng nghiệp khó tính cũng sẽ xé cho to.
Ỷ làm lâu năm rồi lạm quyền của Sếp, cao ngạo, hay la mắng, quát nạt nhân sự ít thâm niên hơn dù tuổi đời của họ lớn hơn.
Thích người khác phải nghe theo ý kiến của mình, ai không “tung hô” theo là sẽ đồng nghiệp khó tính sẽ khó chịu ra mặt.
Biết là không dễ nhưng đã chấp nhận vào làm việc thì chúng ta phải học cách hòa nhập tốt với tập thể. Điều này rất có lợi cho chính bản thân chúng ta:
Nhân sự mới vào nhận việc rất cần chú ý lợi ích này, bởi lẽ, bạn là người mới, mọi người xung quanh chưa ai hiểu bạn tốt ra sao. Trong khi Sếp và đồng nghiệp khó tính thì đã ở đó làm việc, giao thiệp với mọi người lâu rồi. Không chắc tất cả nhân sự phòng ban đều thích Sếp và đồng nghiệp khó tính nhưng có điều chắc chắn, vì muốn bình an làm việc, tìm kiếm thu nhập, họ sẽ hành động theo hướng của những người khó tính có thâm niên này. Nếu họ không thích bạn, có thể thời gian ngắn sau, cả phòng ban cũng sẽ hạn chế giao thiệp với bạn.
Giải quyết công việc mỗi ngày đã đủ mệt mỏi rồi, vậy mà còn phải đối mặt, khó chịu, ức chế với sự khó tính của Sếp hay đồng nghiệp. Chỉ khi học được cách ổn định cảm xúc trong mọi tình huống bất như ý tại chốn công sở thì bạn mới bớt đi phần nhiều áp lực trên đôi vai mình.
Làm việc đội nhóm là xu hướng toàn cầu, muốn có được lợi ích từ làm việc đội nhóm thì đội nhóm đó trước hết phải đoàn kết, hướng về mục tiêu chung của tổ chức mà hành động. Chấp nhận điều chỉnh “cái tôi” để thích ứng với sự khó chịu của Sếp hoặc một vài thành viên trong nhóm sẽ giúp bạn hưởng được nhiều lợi ích trong công việc.
Sếp hay đồng nghiệp khó tính đôi khi do tính chất công việc, họ muốn chất lượng phải đạt chuẩn yêu cầu. Chình vì vậy, giao tiếp bình tĩnh, tự tin cùng Sếp hay đồng nghiệp khó tính, chúng ta sẽ hiểu sâu, hiểu đúng yêu cầu công việc từ họ. Một là không lo làm sai, hai là không lãng phí thời gian, công sức.
Làm việc thuận hòa cùng Sếp hay đồng nghiệp khó tính sẽ cho ta nhiều trải nghiệm thực tế, phát triển dần kỹ năng giao tiếp đắc nhân tâm một cách tự tin. Dù là trong thăng tiến sự nghiệp hay trong ứng xử cuộc sống thường nhật, kỹ năng này đều sẽ mang lại lợi thế cạnh tranh cho bạn.
Làm việc với người khó tính, hay bắt bẻ, hay xoi mói quả là một điều bất như ý, nhưng đôi khi chúng ta không có nhiều sự lựa chọn. Vậy thì thay vì cứ mãi cau có, khó chịu với tính cách của đối phương, chúng ta hãy tìm cách để giải tỏa tâm lý đó cho mình, tập trung khai thác giá trị tích cực từ họ:
Chúng ta hoàn toàn có thể chế ngự tính cách khó tính của một ai đó khi ta hiểu và chạm được vào cảm xúc của họ. Vì thực tế, sự khó tính có khi là sự thị uy để người khác thấy mình “dữ dằn”, đừng có mà bắt nạt. Họ dùng sự “khó tính” để bảo vệ mình.
Hãy để suy nghĩ của bạn theo hướng theo nội dung tâm lý học trên để bản thân dễ thông cảm hơn, không còn quá căng thẳng vì những biểu hiện khó tính của Sếp và đồng nghiệp nữa. Đả thông tư tưởng của bản thân như vậy, vừa tốt tinh thần của bạn, vừa tránh được những xung đột mà phần bất lợi nghiêng về bạn nhiều hơn.
Kiềm chế cảm xúc khi trao đổi cùng Sếp hay đồng nghiệp khó tính, ít nói lại để tránh những phát ngôn có thể khiến bạn tiếc nuối sau này.
Tạm gác việc riêng, tập trung lắng nghe và có những phản hồi từ ngôn ngữ hoặc hình thể. Hãy luôn nhớ rằng người khó tính rất dễ tự ái, dễ nối nóng, nếu họ nói mà bạn không tập trung nghe, họ sẽ thấy bị tổn thương.
Phản hồi mang tính xây dựng nhưng đừng quá ăn thua, cãi tay đôi với đối phương. Hãy đưa ra ý kiến và cho Sếp hoặc đồng nghiệp có thời gian phân tích, đừng ép họ phải phản hồi liền, chỉ làm họ thêm khó chịu ra mặt mà thôi.
Làm đúng ý thì Sếp và đồng nghiệp làm sao mà phản ứng khó tính được. Nhưng để biết làm thế nào mới đúng ý thì chúng ta phải để tâm quan sát, hỏi han và tìm sự hướng dẫn từ Sếp hoặc đồng nghiệp khó tính trong những lần đầu. Ghi nhớ những nội dung này trong đầu, ghi vào sổ tay, lưu vào ghi chú trên máy tính… đều được, đảm bảo nếu lần sau gặp lại, bạn sẽ không phải bối rối hỏi đến cách giải quyết nữa.
Mặc dù một số Sếp khó tính đòi hỏi nhân viên phải làm theo cách của Sếp, nhưng khi phát sinh vấn đề gấp thì sự chủ động của nhân viên đem lại kết quả giải quyết tốt, tránh hệ lụy làm Sếp phải giải quyết thì Sếp cũng khó mà khó tính với bạn được.
Sếp hay đồng nghiệp đang đầu bù tóc rối mà bạn cứ nhảy vào nhờ xem và hỗ trợ công việc thì bị quát tháo cũng là điều dễ hiểu. Để tiếp cận làm quen, học hỏi hay nhờ hỗ trợ công việc thì điểm mấu chốt vẫn là chọn thời điểm để mở lời.
Tốt nhất là thời điểm Sếp hay đồng nghiệp đang thư thái sau một dự án dài hơi, hay vào cuối tuần ít việc. Có sự tác động tích cực từ môi trường xung quanh cũng khiến tâm trạng dễ chịu hơn, không còn dễ cáu gắt, bắt bẻ nữa.
“Thầy khó, trò giỏi”, nếu sự khó tính của Sếp và đồng nghiệp là vì không muốn nhân viên mới bị sai sót, bị phạt thì chúng ta nên tiếp thu và nỗ lực học hỏi để hoàn thiện cách thức và hiệu suất công việc. Lợi ích khi đó là của mình chứ không phải của Sếp hay đồng nghiệp khó tính, vậy nên không thể để những cơ hội như vậy trôi qua vô nghĩa chỉ vì sự khó chịu mà mình không thích.
Để tránh gặp phải sự thiếu nhất quán trong quyết định chỉ đạo của Sếp hay đồng nghiệp khó tính, chúng ta nên chủ động gặp và trao đổi cùng họ cách thức mà họ muốn triển khai hoặc phối hợp triển khai. Tổng hợp những câu trả lời định hướng cho quá trình làm việc, bạn sẽ hình dung rất chi tiết những gì mà bản thân hoàn toàn an tâm thực hiện. Nếu có thể, hãy khéo léo ghi âm lời nói của Sếp hay đồng nghiệp để tránh họ tiền hậu bất nhất, đổ thừa bạn, đặc biệt là khi sự chỉ đạo, hướng dẫn của họ lại không mang lại kết quả tốt cho nhiệm vụ như mong đợi.
Nắm bắt và áp dụng hiệu quả cách làm việc với Sếp và đồng nghiệp khó tính, Quân sư TalentBold tin chắc khả năng thích ứng nhanh mọi môi trường làm việc sẽ được nâng tầm. Dù là “khắt khe” hay “khó tính” cũng không làm khó được bạn. Có như vậy, bạn mới có thể toàn tâm toàn ý cho công việc, gặt hái thành tích và mở ra cho bản thân nhiều cơ hội gia nhập vào những tập thể mới, nơi làm việc vui vẻ, hòa nhã, tôn trọng lẫn nhau.
------------------------------------
Chi tiết liên hệ:
Talentbold - We bold your talents
Hotline: 077 259 1080
Mail: sales@talentbold.com
Add: Tầng 12A.3, Tòa MD Complex, 68 Nguyễn Cơ Thạch, Nam Từ Liêm, Hà Nội, Việt Nam
Nguồn ảnh: internet