- 420k
- 1k
- 870
Tự ti là một trong những biểu hiện tiêu cực của sức khỏe tinh thần, nhưng sức ảnh hưởng của nó có thể khiến cả sức khỏe thể chất, năng suất làm việc bị tác động nặng nề. Muốn có một sự nghiệp vững vàng và thành công, tuyệt đối không thể để sự tự ti kéo dài. Chính vì vậy, quân sư TalentBold hôm nay sẽ cùng bạn tìm hiểu cặn kẽ về cảm xúc tự ti trong công việc, nhanh chóng nhận biết và tìm cách loại bỏ một cách hiệu quả.
MỤC LỤC:
1. Định nghĩa tự ti là gì?
2. Vì sao con người lại bị cảm xúc tự ti xâm chiếm?
3. Những biểu hiện tự ti trong công việc thường thấy nhất
4. Hệ lụy nguy hiểm gây ra bởi cảm giác tự ti
5. Bí kíp vượt qua cảm xúc tự ti nơi công sở
5.1. Người ta so sánh bạn vì bạn xứng đáng được so sánh
5.2. Thực hiện nếp sống tích cực
5.3. Quá khứ đã qua đi
5.4. Bạn là duy nhất
5.5. Hành động và điều chỉnh hành động
Sự tự ti (self-depreciation) là cụm từ phản ánh những cá nhân không tin vào năng lực của bản thân, tự đánh giá thấp mình, cho rằng mình kém cỏi hơn mọi người xung quanh, không đủ sức hoàn thành được một việc gì đó.
Tâm lý tự ti như một rào cản khiến người tự ti không dám thử sức vì cho rằng kết quả cuối cùng vẫn là thất bại. Khi đối mặt với cái khó, cái mới, họ chọn cách né tránh, tự đưa ra hàng loạt lý do để thuyết phục bản thân rằng từ bỏ là lựa chọn tốt nhất vì năng lực chưa đủ, làm mà không tốt chi bằng không làm ngay từ đầu.
>>> Bạn có thể tham khảo: Low key là gì? Liệu có gây bất lợi cho con đường thành công?
Cảm xúc tự ti của con người không phải là một yếu tố tâm lý bẩm sinh, mà nguyên nhân đều đến từ quá trình trải nghiệm cuộc sống của chính họ:
Văn hóa Á Đông luôn coi trọng thành tích, không ít bậc cha mẹ cho rằng để con cái mạnh mẽ hơn, nỗ lực phấn đấu hơn thì phải thường xuyên cho con thấy bản thân chúng đang thua kém người khác. Thế là cha mẹ không ngừng đem con ra so sánh với “con nhà người ta”, rất ít lần khen ngợi con dù trẻ có tiến bộ, hành động này cũng có thể phát sinh từ người thân, từ thầy cô giáo… Kết quả là đứa trẻ lớn lên cùng tâm lý luôn thua kém người khác mà không biết rằng bản thân mình cũng giỏi hơn rất nhiều người.
Trong công việc, chuyên môn nghiệp vụ là vấn đề được trao đổi, thảo luận rất thường xuyên. Việc một nhân sự thiếu kinh nghiệm, không có lượng kiến thức phong phú hoặc phù hợp nội dung chuyên môn mà mọi người đang trao đổi sẽ khiến họ thu mình lại giữa đám đông, không thể tung hứng câu chuyện. Từ đó hình thành nên cảm giác tự ti mỗi khi phải tham gia cùng mọi người bàn về mảng kiến thức mà mình không am hiểu.
Việc xã hội công nhận một tiêu chuẩn nào đó là hay, là đẹp nhưng bản thân chúng ta lại không sở hữu được tiêu chuẩn đó cũng sẽ gây ra cảm xúc tự ti. Mặc dù thực tế, việc nhiều người tung hô một tiêu chuẩn không hẳn tiêu chuẩn đó là chuẩn mực, là giá trị chân lý mà người người, nhà nhà phải có thì mới được gọi là tốt, nhưng do tính phổ biến của sự lựa chọn nên người không có hoặc có ít sẽ cảm thấy mình thua kém, dẫn đến cảm xúc tự ti.
Công nghệ đã trở thành “món ăn” không thể thiếu trong xã hội ngày nay, lướt mạng xã hội với hình ảnh hàng loạt bạn bè thăng tiến, hàng loạt người cùng tuổi mua nhà lầu, xe hơi… Dù biết thế giới mạng là ảo, rất nhiều người bịa đặt thành tích để được người khác ngưỡng mộ nhưng đại đa số chúng ta chỉ nhìn vào những gì được thể hiện trên đó mà không cần phải kiểm chứng, điều này dễ khiến bản thân cho rằng mình kém cỏi, tự mình hạ thấp chính mình.
Biểu hiện của cảm xúc tự ti sẽ tùy thuộc vào tính chất sự việc mà người tự ti phải đối mặt, điển hình trong công việc thì đây là những biểu hiện phổ biến nhất:
Cảm xúc tự ti trong công việc khiến nhân viên ngại trò chuyện cùng đám đông, ngại tham gia các sự kiện trong doanh nghiệp, vì ở đó, họ sợ ngoại hình của mình không ấn tượng, sợ không “đu” theo câu chuyện của mọi người được, hoặc không có sự nổi trội thành tích để khoe như một vài người trong đám đông đó.
Sợ nói sai, sợ nói dở, sợ bị người khác cười… chính là những suy nghĩ khiến cho nhân viên tự ti rất ít khi phát biểu nêu ý kiến. Họ chọn cách xuất hiện và ngồi yên ở góc khuất, lắng nghe ý kiến đồng nghiệp, rồi chờ Sếp quyết để làm theo thôi.
Người tự ti không có chính kiến riêng, với họ, tuân thủ tập thể là một cách an toàn cho quá trình làm việc. Vì vậy, họ luôn chọn cách theo số đông kiểu “anh chị cứ quyết định, em sao cũng được”.
Sự ổn định là điều mà nhân viên tự ti muốn sở hữu lâu dài, do vậy, những trải nghiệm mới cho dù không khó, cho dù có nhiều điểm tương đồng với những công việc đã làm, họ vẫn sẽ cố gắng từ chối, không dám tự mình làm.
Nếu một ai đó nhìn tập trung vào nhân viên tự ti, họ sẽ cảm thấy căng thẳng, luống cuống, thần sắc bối rối vì họ nghĩ rằng mình đang có điều gì đó không hoàn hảo, họ nghĩ mình luôn là đề tài bàn tán, phán xét theo hướng xấu trong mắt mọi người.
Những đánh giá tiêu cực với người tự tin chỉ là lời nhắc nhở nhưng với người tự ti thì đó là sự chê trách, chỉ trích khiến họ cảm thấy bản thân rất tệ hại. Vì bình thường, họ đã luôn nghi ngờ năng lực của mình rồi, lời đánh giá tiêu cực đó như một sự khẳng định họ “thực sự kém cỏi” nên mức độ tiêu cực mới nặng nề hơn.
Tâm lý tự ti khiến nhân viên không dám nhận những nhiệm vụ khó có cơ hội thăng cấp cao. Một là họ sẽ từ chối thẳng với lý do mình chưa đủ năng lực, hai là sẽ đề cử một người khác phù hợp hơn. Dù là cách nào thì hệ lụy chung đều là đánh mất cơ hội phát triển tốt cho sự nghiệp của bản thân.
Nghĩ ra cái hay nhưng không dám lên tiếng đóng góp ý kiến mà chỉ im lặng, rồi chờ nghe ý kiến của người khác, chờ quyết định thực thi của tập thể. Để rồi bản thân phải triển khai công việc theo cách kém hiệu quả hơn so với cách mình nghĩ ra, giảm hiệu suất làm việc, chưa kể, những giá trị sáng tạo hay của bản thân cũng theo đó dần hao mòn khi việc theo số đông đã trở thành thói quen.
Trong công việc, mối quan hệ chính là yếu tố giúp tăng hiệu quả, giảm tiêu hoa nguồn lực. Ấy vậy mà nhân sự tự ti lại ngại đám đông, không chủ động kết bạn, thích thu hẹp mình vào thế giới riêng với những tâm sự, lo nghĩ, áp lực, ngay cả khi người khác chủ động giao lưu, họ cũng tìm cách né tránh.
Chọn mức độ chuyên môn an toàn để hoàn thành một cách ổn định là ưu tiên của người tự ti. An toàn có đó nhưng năng lực của bạn theo thời gian sẽ không có sự tiến bộ nào cả, bản thân cũng cảm thấy công việc dần trở nên nhàm chán. Cũng vì hệ lụy này mà về lâu dài, khi doanh nghiệp giảm biên chế hay cải tổ cơ cấu, nhân viên tự ti sẽ là nhóm đối tượng bị thuyên chuyển đầu tiên.
Khi bị so sánh với một ai đó, thay vì dùng cảm xúc tự ti để tiếp nhận, chúng ta nên thay bằng cảm xúc tự tin. Hãy nghĩ rằng “người khác so sánh bạn với một người giỏi vì chỉ có bạn mới xứng đáng để chinh phục vị trí của người giỏi đó”. Như thể người ta sẽ so sánh người đứng người hạng 2, hạng 3 với người hạng 1, chứ không ai so sánh người đứng hạng 10, hạng 20 với người hạng 1 cả.
Tự mình đổi mới cách suy nghĩ khi tiếp nhận lời so sánh giúp tinh thần bạn bớt đi áp lực nặng nề, tâm lý thoải mái sẽ tiếp thêm sự tự tin, giúp cho bản thân dễ dàng chinh phục những cột mốc năng lực để trở thành người giỏi mà mình “được” so sánh.
Cảm xúc tự ti dễ đưa con người vào những lối sống thiếu lành mạnh như uống rượu, thức khuya, ăn mặc xuề xòa… Lý do là vì họ cho rằng họ có cố gắng sống tốt hơn thì cũng không vừa mắt người khác, hoặc họ dùng những điều này để giải thích rằng bản thân kém cỏi là do lối sống thiếu lành mạnh chứ không phải do năng lực.
Hãy dừng ngay việc tự hành hạ bản thân mình bạn nhé, mỗi người chúng ta sinh ra trên đời đều có một sứ mệnh riêng và được Thượng đế ban cho những năng lực tốt đẹp khác nhau. Nên dành thời gian cho việc trau dồi kiến thức, nâng cao năng lực, theo học hỏi những đồng nghiệp tự tin… để ngày một hoàn thiện mình.
Đừng để những thất bại, muộn phiền trong quá khứ cứ mãi níu chân bạn. Hiện tại và tương lai mới là điều đang đón chờ, quá khứ chỉ nên là bài học đúc kết để tích lũy thêm vốn trải nghiệm cho hành trình tiếp theo mà thôi.
Đừng quá đề cao điểm mạnh của người khác, họ cũng có điểm yếu mà nếu chịu khám phá, bạn sẽ thấy mình hơn hẳn họ về điểm đó. Vì vậy, ở bạn cũng có những điểm mạnh để bản thân tự tin với mọi người. Rất nhiều người không có được ngoại hình đẹp nhưng họ vẫn tạo được ấn tượng bằng tính cách, tâm hồn và tài năng. Ví dụ như diễn viên Song Hye Kyo không có lợi thế chiều cao nhưng năng lực diễn xuất rất đỉnh.
Đừng chỉ nhìn vào nhiệm vụ rồi tự tưởng tượng ra hàng loạt nỗi lo sợ hay khó khăn mà bạn chỉ mới nghe, mới tưởng tượng, chứ chưa từng gặp phải. Bạn nên chọn cách hành động vì quá trình này sẽ cho bạn thấy những gì mình tưởng tượng chỉ là lo xa. Hơn nữa, bạn không cô đơn vì luôn có Sếp, có đồng nghiệp bên cạnh tư vấn, hướng dẫn và cùng bạn điều chỉnh hành động.
Cảm xúc tự ti trong công việc khiến người lao động luôn chờ đợi hành động theo đám đông để giảm thiểu rủi ro trong công việc vì họ không tin mình có đủ năng lực tự đương đầu. Dù là mong muốn thăng tiến hay chỉ cần một công việc ổn định lâu dài, sự tự ti sẽ luôn là rào cản của bạn. Vì vậy, quân sư TalentBold hy vọng qua bài viết này, ngoài việc phát hiện mức độ tự ti, chúng ta còn có thể gạt bỏ sự tự ti ra khỏi bản thân mình.
------------------------------------
Chi tiết liên hệ:
Talentbold - We bold your talents
Hotline: 077 259 1080
Mail: sales@talentbold.com
Add: Tầng 12A.3, Tòa MD Complex, 68 Nguyễn Cơ Thạch, Nam Từ Liêm, Hà Nội, Việt Nam
Nguồn ảnh: internet