- 420k
- 1k
- 870
Để cạnh tranh thu hút khán giả, tăng lợi nhuận cho các dự án phim ảnh, sự xuất hiện của những thần tượng luôn là yếu tố quan trọng, tạo sự thôi thúc cho lượng fan hùng hậu đến thưởng thức tác phẩm nghệ thuật. Tuy nhiên, do nguồn kinh phí có hạn nên nhà sản xuất không thể mời diễn viên nổi tiếng đóng nhiều phân cảnh mà chỉ có thể để họ giữ vai trò cameo. Nếu không phải dân nghệ thuật, ắt hẳn nhiều bạn đọc chưa hiểu rõ cameo là gì, vậy mời bạn cùng quân sư TalentBold tìm hiểu nhé.
MỤC LỤC:
1. Cameo là gì?
2. Vai trò quan trọng của Cameo trong lĩnh vực nghệ thuật
2.1. Kích thích sự tò mò của khán giả
2.2. Tạo sức bật cho tác phẩm
2.3. Tối ưu hiệu quả hoạt động Marketing
2.4. Nâng tầm giá trị tài chính đầu tư
2.5. Giữ chân khán giả
3. So sánh giữa Cameo và diễn viên phụ, giống khác nhau ra sao?
4. Đối tượng được chọn vào vai trò cameo
Cameo – tạm dịch Khách mời – là thuật ngữ đề cập đến sự xuất hiện chớp nhoáng của một người nổi tiếng (có nhiều người hâm mộ) trong một tác phẩm nghệ thuật, thường là phim ảnh, kịch, clip âm nhạc... Sự xuất hiện của họ có thể là hình ảnh hoặc chỉ là lời thoại lồng tiếng trong một khoảnh khắc.
Mặc dù họ không có lời thoại nhiều, không có phân đoạn nhiều nhưng với thương hiệu cá nhân vượt trội của mình, cameo vẫn đủ sức khiến khán giả phấn khích mà “ồ lên” khi nhìn thấy hình ảnh, hoặc bất ngờ khi nghe được giọng nói quen thuộc.
Chính vì vậy, nhờ có cameo mà tác phẩm dễ dàng lưu lại ấn tượng cho khán thính giả khi thưởng thức, dễ lan tỏa sự háo hức, thôi thúc họ lựa chọn tác phẩm nghệ thuật có cameo mà mình yêu thích thay vì một tác phẩm khác cùng thể loại.
Thời lượng cameo xuất hiện không cao nhưng thù lao họ nhận được không hề thấp, ấy vậy mà nhà sản xuất vẫn cố gắng thuyết phục cameo tham gia vào tác phẩm của họ. Lý do nằm ở vai trò quan trọng mà vai diễn Khách mời mang lại cho hiệu quả kinh doanh của sản phẩm nghệ thuật:
Trong hàng loạt tác phẩm nghệ thuật sản xuất hằng năm, khán giả sẽ có rất nhiều sự lựa chọn thưởng thức, nếu không tạo được điểm nhấn tạo sự bất ngờ thì sẽ khó cạnh tranh doanh thu với tác phẩm khác. Và sự xuất hiện của cameo nổi tiếng chính là yếu tố đáp ứng mong đợi này của nhà sản xuất. Chưa kể nếu cameo được hóa thân thành một nhân vật có tính cách hài hước hoặc đối lập với hình ảnh thường ngày của họ thì càng dễ kích thích sự tò mò của khán giả hơn nữa.
Cameo có một lượng fan hùng hậu, chỉ cần biết họ tham gia vào tác phẩm đó, chưa cần biết hay hay không thì số lượng người tìm xem đã vượt trội hơn các tác phẩm khác rồi. Tỷ lệ người xem càng nhiều, thời gian được chiếu vào khung giờ vàng với nhiều đơn hàng quảng cáo càng cao, nếu là phim chiếu rạp thì sẽ được tăng suất chiếu, nếu là clip âm nhạc thì dễ đạt được lượt xem khủng… Tất cả những yếu tố này đều minh chứng cho thành công của tác phẩm và nâng cao giá trị cho người sáng tạo ra tác phẩm đó.
Nhiều lời quảng cáo hoa mỹ, nhiều chương trình chạy quảng cáo tốn kém chưa chắc hiệu quả bằng hình ảnh của một người nổi tiếng. Điều này là có thật, vì những giá trị mà người nổi tiếng đó đang sở hữu (sự tử tế, tính chính trực, luôn chọn sản phẩm chất lượng…) sẽ được khán thính giả đánh đồng vào trong tác phẩm, nâng cao độ uy tín, niềm tin vào chất lượng nghệ thuật mà tác phẩm mang lại. Chưa kể chỉ với cập nhật trạng thái mạng xã hội của cameo cũng đủ giúp nhà sản xuất tiết kiệm khoản tiền lan tỏa thông tin quảng cáo kha khá đến đúng đối tượng quan tâm.
Tác phẩm có đầu tư tài chính lớn đều là tác phẩm chỉnh chu nên khả năng hay sẽ rất cao. Tâm lý này dẫn dắt khán giả tin rằng, với việc mời những cameo nổi tiếng, mức cát-xê cao chỉ để xuất hiện một vài khoảnh khắc nhỏ đủ cho thấy mức đầu tư tài chính cho tác phẩm nghệ thuật mà họ sắp xem là rất lớn. Lựa chọn những tác phẩm này, ngoài việc ủng hộ thần tượng, khán thính giả còn có thể nâng cao vị thế bản thân khi trực tiếp trải nghiệm tác phẩm đầu tư lớn, đang “hot”, dễ dàng “tung hứng” mọi cuộc trao đổi bàn luận khi gặp bạn bè, đồng nghiệp.
Sự xuất hiện của cameo thường ở giai đoạn giữa của tác phẩm nghệ thuật, sẽ không được báo trước nên để có thể trải nghiệm được phân cảnh có cameo mà mình đang trông ngóng thì khán thính giả buộc phải theo dõi toàn bộ tác phẩm từ đầu đến cuối. Nhờ vậy, sản phẩm nghệ thuật có được sự theo dõi liên tục, không bị ngắt quãng giữa chừng, không bị giảm sút doanh thu. Vai trò này đặc biệt được lưu tâm đối với những sản phẩm nghệ thuật xuất bản trên các nền tảng trực tuyến như Youtube.
Đất diễn không nhiều, lời thoại cũng ít nên khá nhiều người cho rằng cameo thuộc nhóm diễn viên phụ trong cơ cấu đội ngũ tham gia diễn xuất. Tuy nhiên, hai vị trí này chỉ giống nhau ở khía cạnh tần suất xuất hiện ít và không phải mất nhiều công sức học thoại mà thôi, còn về các khía cạnh khác thì điểm khác nhau khá nhiều:
Diễn viên phụ là những người ít được khán giả biết đến, họ có thể là diễn viên quần chúng hoặc diễn viên chuyên nghiệp nhưng mức độ phổ biến hình ảnh cá nhân chưa cao. Để gợi nhớ về họ, người xem thường là nhớ đến tên nhân vật hoặc vai diễn của họ trong phim (vợ của anh A, người yêu chị B…) chứ tên thật hay nghệ danh thì chưa được biết đến nhiều.
Cameo là những người có thương hiệu mạnh trong lĩnh vực mà họ đang cống hiến, số lượng người biết đến họ trải rộng trong phạm vi cả nước, đôi khi vươn tầm quốc tế nữa. Chỉ cần nhắc đến tên của cameo là nhiều người đã nhớ ngay đến hình ảnh, công việc, tính cách, mối quan hệ gia đình… của họ. Người xem nhiều khi còn không để ý tên nhân vật của cameo trong phim mà chỉ nhớ tên thật.
Diễn viên phụ liên quan mật thiết đến nội dung tác phẩm nghệ thuật, những tình tiết câu chuyện trong tác phẩm có thể xoay chuyển tức thì thông qua vai diễn của họ. Vì vậy, lời thoại và nét diễn phải được chau chuốt không thua gì diễn viên chính.
Cameo cũng có vai trò ảnh hưởng đến tác phẩm nhưng không làm chuyển biến nội dung kịch bản, họ chỉ góp mặt với nhiệm vụ tạo ấn tượng, kích thích sự tò mò để thu hút khán giả. Lời thoại của họ rất ngắn hoặc chẳng cần nói gì cả, trường hợp có thoại thì nhiều khi, đạo diễn chỉ nêu nội dung chính và cho phép cameo tự biên soạn lời thoại theo ý của họ để họ cảm thấy thoải mái nhất khi diễn.
Diễn viên phụ tuy không có nhiều đất diễn và lời thoại như diễn viên chính nhưng họ sẽ xuất hiện nhiều lần trong suốt chiều dài của bộ phim. Người xem có thể gặp lại họ ở những phân đoạn ngắn nối tiếp nhau, nhất là trong các bộ phim nhiều tập.
Cameo thường chỉ xuất hiện một lần chớp nhoáng trong một vài giây, tối đa 1 - 2 phút trong tác phẩm nghệ thuật mà thôi. Dù là phim nhiều tập thì cameo cũng chỉ xuất hiện 1 – 2 lần là đủ nhận về cát-xê khủng.
Như đã nói, không nổi tiếng thì không thể tạo được sức hút tăng lượng người xem, không nổi tiếng thì không công chúng nào háo hức tò mò cả. Vì vậy, cameo mà nhà sản xuất chọn trong tác phẩm nghệ thuật của họ phải là người có tiếng tăm, có tầm ảnh hưởng rộng, được xã hội công nhận và tôn vinh.
Là tác phẩm nghệ thuật, vậy cameo cũng phải là người nổi tiếng trong nghệ thuật? Không hẳn vậy, sự lựa chọn Khách mời cho các bộ phim, vở kịch, web drama, video âm nhạc, sự kiện nghệ thuật… rất linh động, đó có thể là ca sĩ, diễn viên, người mẫu, MC…, cũng có thể là chính trị gia, biên kịch, đạo diễn, diễn giả…, thậm chí là người nhà của người nổi tiếng được công chúng biết đến. Tiêu biểu như:
Tác giả, diễn viên Stan Lee là Khách mời trong các bộ phim chuyển thể từ truyện tranh Marvel Comics mà ông là tác giả.
Doanh nhân tỷ phú Elon Musk trong phim “Iron Man – phần 2” sản xuất năm 2010
Vợ của chính trị gia nổi tiếng, bà Michelle Obama – phu nhân cựu tổng thống Mỹ Barack Obama – từng là cameo trong phim Parks and Recreation của đài NBC.
Diễn viên Brad Pitt là cameo trong phim “Deadpool 2” sản xuất năm 2018
Ca sĩ Đàm Vĩnh Hưng và ca sĩ Vũ Hà đảm nhận vai Khách mời trong phim “Bẫy ngọt ngào” do Minh Hằng làm nhà sản xuất và diễn viên chính, sản xuất năm 2022
MC Trấn Thành là cameo trong clip âm nhạc “Có không giữ, mất đừng tìm” của ca sĩ Trúc Nhân (năm 2022) thông qua đoạn lồng tiếng gọi điện thoại ở cuối clip.
Vợ chồng diễn viên Trường Giang – Nhã Phương là khách mời trong clip âm nhạc “Hơn cả yêu” của ca sĩ Đức Phúc sản xuất năm 2020
Nhân vật Benjamin Franklin được nhắc đến trong tác phẩm “The Bastard” của tác giả John Jakes chính là một ví dụ về vai trò cameo trong tác phẩm văn học.
Cameo là những diễn viên khách mời, họ là những người nổi tiếng thuộc nhiều lĩnh vực khác nhau. Quân sư TalentBold nhận thấy cameo đều là người khá bận rộn hoặc có mức thù lao cao nên tác phẩm phim ảnh chỉ mời họ xuất hiện trong cảnh quay ngắn, góp phần tạo nên sức hút khán giả lựa chọn thưởng thức. Hiểu rõ vai trò của cameo giúp ích rất lớn cho những bạn làm nghệ thuật, nhất là các vai trò nhà sản xuất, nhà đầu tư, đạo diễn, biên kịch…
------------------------------------
Chi tiết liên hệ:
Talentbold - We bold your talents
Hotline: 077 259 1080
Mail: sales@talentbold.com
Add: Tầng 12A.3, Tòa MD Complex, 68 Nguyễn Cơ Thạch, Nam Từ Liêm, Hà Nội, Việt Nam
Nguồn ảnh: internet