- 420k
- 1k
- 870
Được làm việc trong môi trường chuyên nghiệp, đồng nghiệp thân thiện, sẵn sàng hỗ trợ, hợp tác với nhau là điều mà bất cứ ai cũng mong đợi. Tuy nhiên, thực tế chứng minh không phải đồng nghiệp nào cũng sẵn lòng hợp tác với bạn.
Bạn có những đồng nghiệp không hợp tác hay không? Nên làm gì khi gặp phải tình huống này? Hãy cùng theo dõi bài viết sau đây của Quân sư TalentBold để có câu trả lời thỏa đáng nhất nhé!
MỤC LỤC:
1- Xác định nguyên nhân
2- Luôn bình tĩnh, tránh xảy ra xung đột
3- Không lưu giữ cảm xúc tiêu cực trong thời gian dài
4- Thẳng thắn đối mặt với đồng nghiệp của bạn
5- Tạo ranh giới an toàn với đồng nghiệp bất hợp tác
6- Không mang chuyện bạn và đồng nghiệp bất hợp tác luyên thuyên với nhiều người
7- Không sử dụng biện pháp đáp trả tiêu cực
8- Tập trung tuyệt đối cho công việc
9- Báo cáo với sếp
10- Luôn có sẵn kế hoạch dự phòng
11- Tìm việc làm mới
Có nhiều nguyên nhân khác nhau khiến một đồng nghiệp nào đó không chịu hợp tác với bạn, thậm chí họ còn tỏ ra khó chịu ra mặt.
Nguyên nhân của việc này có thể đến từ những khác biệt trong tính cách, quan điểm, cách thức xử lý công việc, mâu thuẫn trước đó hoặc cũng có thể vì một lý do nào đó.
Bằng cách tìm hiểu nguyên nhân, bạn sẽ nắm bắt chính xác tình huống đang diễn ra. Nó giúp bạn xử lý mọi việc tốt hơn và tránh không để rơi vào tình trạng khủng hoảng khó có thể vãn hồi.
Theo Quân sư, bạn nên kiên nhẫn lắng nghe các ý kiến, chia sẻ từ đồng nghiệp, cư xử linh hoạt, hòa nhã để nắm bắt được điểm chuyển biến. Kế đó, bạn mới tiếp tục đề ra biện pháp giải quyết vấn đề phù hợp.
Khối lượng công việc lớn, thời gian gấp gáp có thể khiến đồng nghiệp của bạn mệt mỏi, bực bội và nảy sinh thái độ bất hợp tác. Lúc này, nếu bạn không thể giữ bình tĩnh mà còn gây ra tranh cãi thì mất nhiều hơn được.
Quân sư tin rằng sự nóng nảy, tức giận không chỉ khiến đồng nghiệp của bạn có thái độ bất hợp tác cao hơn mà nó còn triệt để phá hủy mối quan hệ giữa hai người.
Giải pháp hữu hiệu nhất bạn có thể thử là hãy cùng đồng nghiệp thư giãn một chút, cùng trò chuyện, giải lao. Điều này sẽ xóa tan những căng thẳng, áp lực và giúp bạn cũng như đồng nghiệp bình tĩnh, tỉnh táo hơn.
>>> Bạn có thể tham khảo: Làm gì khi bạn có đồng nghiệp luôn đẩy việc cho mình?
Khi có đồng nghiệp không chịu hợp tác với mình chắc chắn bạn phải tìm hiểu nguyên nhân và xử lý nó. Tuy nhiên, điều này không có nghĩa bạn phải ăn, ngủ, sống cùng với nó suốt cả ngày.
Bạn biết đấy, hầu như công việc đã chiếm phần lớn thời gian trong một ngày của mỗi người. Ngoài công việc bạn còn có những mối quan hệ khác và đời sống cá nhân. Bạn cũng cần có thời gian nghỉ ngơi, lấy lại năng lượng hay chăm sóc gia đình, người thân của mình.
Do đó, bạn nên tìm cách loại bỏ những cảm xúc tiêu cực ra khỏi đầu và dành thời gian để phục hồi, nghỉ ngơi. Ngoài ra, bạn cũng có thể nghe bản nhạc mình yêu thích hay đọc một cuốn sách. Những việc làm tưởng như đơn giản này đôi khi lại giúp bạn tìm ra cách giải quyết hiệu quả cho vấn đề bạn gặp phải.
Khi phát hiện vấn đề bạn đừng nên trốn tránh hay giữ im lặng. Điều này chỉ khiến sự việc thêm trầm trọng.
Trong trường hợp đồng nghiệp có thái độ bất hợp tác, Quân sư sẽ chọn cách đối mặt trực tiếp với họ. Bởi im lặng sẽ chỉ làm khắc sâu sự hiểu lầm và những khúc mắc.
Ngay khi nhận thấy vấn đề giữa bạn và đồng nghiệp làm ảnh hưởng đến tiến độ, chất lượng công việc, bạn hãy hẹn gặp riêng họ, trò chuyện cùng họ với thái độ mềm mỏng, cầu thị nhằm tìm ra tiếng nói chung cũng như cách giải quyết tốt nhất.
Lựa chọn đối thoại trực tiếp là giải nhanh chóng và hiệu quả cao. Tuy nhiên, bạn chỉ thành công với giải pháp này khi có khả năng giao tiếp, ứng xử khéo léo.
Trong quá trình trò chuyện cùng đồng nghiệp, bạn nên thể hiện sự tôn trọng, cởi mở, thân thiện và tuyệt đối không trách móc hay buộc tội họ. Nếu làm tốt, bạn không chỉ xử lý được vấn đề mà còn thắt chặt thêm mối quan hệ giữa hai bên.
Trong trường hợp bạn nhận ra người đồng nghiệp đó có thái độ bất hợp tác là do họ có thành kiến với bạn hoặc vì một lý do chủ quan nào đó thì hãy tìm cách giữ khoảng cách với họ.
Điều này có nghĩa bạn sẽ chỉ tiếp xúc với người đó khi cần giải quyết công việc chung hay thực hiện dự án nào đó. Ngoài ra thì bạn hãy tự tách xa khỏi họ để không bị ảnh hưởng bởi những cảm xúc tiêu cực do người đó mang lại.
Với những đồng nghiệp có thái độ bất hợp tác, bạn nên dùng sự lịch thiệp, nhã nhặn cao nhất khi làm việc cùng họ để tránh xảy ra mâu thuẫn. Họ có thể đối xử với bạn không hòa nhã nhưng thái độ tích cực của bạn sẽ giảm bớt phần nào sự gai góc trong họ, hoặc cũng có thể làm họ thay đổi cách nhìn về bạn.
Nếu như đồng nghiệp đó vẫn cố chấp không hiểu thái độ của bạn, hãy cùng họ làm rõ. Đồng thời, bạn nên cho họ biết rằng bạn không thoải mái và cũng không muốn họ tiếp tục làm phiền mình.
Bạn sẽ cảm thấy bức xúc và muốn trò chuyện cùng đồng nghiệp khác để giải tỏa hay tìm kiếm lời khuyên là lẽ dĩ nhiên khi gặp phải đồng nghiệp không hợp tác. Tuy nhiên, bạn tuyệt đối đừng dùng câu chuyện này làm chủ đề để bàn tán với đám đông.
Khi câu chuyện qua tai nhiều người sẽ phát sinh nhiều phiên bản mới lạ. Câu chuyện cũng không còn thuần túy như ban đầu mà được thêm đầu bớt đuôi rất lộn xộn. Một khi nó được truyền tới tai người đồng nghiệp kia thì mọi việc có thể trở nên vô cùng nghiêm trọng.
Chính vì vậy, bạn nên cẩn trọng khi chia sẻ việc này với đồng nghiệp khác. Tốt nhất bạn chỉ nên chọn những người thân thiết, đáng tin cậy để tâm sự, tìm lời khuyên mà đừng trở thành kẻ buôn chuyện. Điều này sẽ khiến trở nên thiếu chuyên nghiệp, mâu thuẫn giữa bạn với đồng nghiệp cũng càng sâu sắc hơn.
>>> Bạn có thể quan tâm: Nên làm gì khi đồng nghiệp ghét mình?
Cho dù bạn nhận thấy đồng nghiệp bất hợp tác kia đang ngầm phá hoại công việc của bạn thì cũng đừng nên sử dụng biện pháp tương tự đáp trả họ.
Nếu dùng cách tiêu cực để đáp trả, bạn có thể đánh mất sự tôn trọng, tín nhiệm của người khác. Trường hợp tệ hơn là cả bạn và người đồng nghiệp đó đều có khả năng bị mất việc vì điều này.
Bị đồng nghiệp dùng thái độ bất hợp tác sẽ khiến bạn gặp không ít khó khăn, căng thẳng. Tuy vậy, bạn nên tìm cách gạt bỏ đi những cảm xúc tiêu cực của bản thân và dành nhiều thời gian, công sức hơn cho công việc.
Lựa chọn đặt công việc lên hàng đầu được xem là giải pháp hữu hiệu giúp bạn ổn định hiệu suất làm việc. Hơn nữa, nó cũng giúp bạn dứt bỏ đi những cảm xúc tệ hại, hành xử đúng mực và có thể vượt ra khỏi tình trạng bế tắc.
Nếu như bạn đã tìm mọi cách để trò chuyện, trao đổi cùng đồng nghiệp bất hợp tác mà kết quả vẫn không thay đổi thì đã đến lúc bạn cần thông báo cho cấp trên về vấn đề này.
Bạn hãy đề xuất một cuộc họp riêng với sếp, trình bày vấn đề bạn gặp phải, cách bạn xử lý vấn đề và kết quả đạt được. Sau đó, bạn chỉ việc chờ nghe ý kiến từ sếp.
Trong trường hợp đồng nghiệp bất hợp tác đó cũng chính là sếp của bạn thì bạn cũng hãy làm tương tự như vậy. Bất cứ bất đồng ý kiến hay mâu thuẫn nào cũng cần phải đối mặt với nó và nỗ lực giải quyết cho ổn thỏa càng sớm càng tốt.
Nếu giải pháp trên chưa phát huy hiệu quả như mong đợi thì bạn có thể tiếp tục đề nghị các cấp quản lý cao hơn trong công ty đứng ra giải quyết.
Một khi đã phát hiện đồng nghiệp bất hợp tác kia cố tình gây hại cho mình thì bạn nên chuẩn bị sẵn kế hoạch dự phòng. Đồng thời, bạn cũng phải thật cẩn trọng, kỹ lưỡng khi xem xét giấy tờ, xử lý công việc.
Hãy đảm bảo bạn sẽ đích thân xử lý những công việc quan trọng. Điều này nhằm đảm bảo không có sơ xuất nào xảy ra bất ngờ và người kia cũng không thể tiếp tục phá hoại công việc của bạn.
Sau khi đã thử nhiều biện pháp và cũng đã trao đổi cùng đồng nghiệp, cấp trên mà vẫn không có gì cải thiện thi bạn có thể yêu cầu được chuyển nhóm, chuyển bộ phận, chuyển công ty hay tìm cơ hội việc làm khác hấp dẫn hơn.
Làm việc cùng đồng nghiệp không muốn hợp tác với mình là trải nghiệm rất tệ hại. Lý do là vì cho dù bạn đã sử dụng nhiều cách, thậm chí là hạn chế tiếp xúc với họ đi nữa thì sức khỏe, tinh thần của bạn vẫn chịu tác động lớn.
Vì vậy, bạn đừng nên để điều này kéo dài mà phải nhanh chóng tìm được giải pháp phù hợp. Bạn cũng nên sử dụng nhiều giải pháp khác nhau nhằm giải quyết sự việc nhanh gọn, hiệu quả nhất.
Hy vọng những chia sẻ trên đây của Quân sư TalentBold có thể giúp bạn biết rõ phải xử lý như thế nào khi có đồng nghiệp không chịu hợp tác với mình. Ngoài ra, bạn cũng nên duy trì tinh thần lạc quan, chú ý chăm sóc sức khỏe để không làm ảnh hưởng đến hiệu suất làm việc. Chúc bạn thành công!
------------------------------------
Chi tiết liên hệ:
Talentbold - We bold your talents
Hotline: 077 259 1080
Mail: sales@talentbold.com
Add: Tầng 12A.3, Tòa MD Complex, 68 Nguyễn Cơ Thạch, Nam Từ Liêm, Hà Nội, Việt Nam
Nguồn ảnh: internet