- 420k
- 1k
- 870
Ngoài vị trí chính thức toàn thời gian thì những công việc có thời gian làm việc chủ động đang trở thành ưu tiên lựa chọn của nhiều người lao động. Vai trò cộng tác viên chính là một trong những vị trí công việc đáp ứng ưu tiên này. Quân sư TalentBold trong bài viết này sẽ chia sẻ nhiều thông tin thú vị về vai trò cộng tác viên, cung cấp cẩm nang hỗ trợ bạn đọc định hướng lựa chọn công việc hiệu quả.
MỤC LỤC:
1. Khái niệm cộng tác viên
2. Vai trò cộng tác viên đảm nhận
3. Cách thức hợp tác làm việc giữa nhà tuyển dụng và cộng tác viên
4. Làm cộng tác viên có thật sự là định hướng nghề nghiệp hiệu quả?
4.1. Lợi thế khi làm cộng tác viên
4.2. Bất lợi trong vai trò cộng tác viên
5. Kinh nghiệm lựa chọn và gắn kết lâu dài cùng công việc cộng tác viên
5.1. Công việc phù hợp năng lực
5.2. Nguồn cung việc làm uy tín
5.3. Thu nhập xứng đáng công sức
Cộng tác viên (tên tiếng Anh là Collaborator) là cụm từ chỉ chức danh của những người làm việc tự do, không bị ràng buộc không gian, thời gian, điều lệ quy định nơi làm việc, và cũng không thuộc biên chế quản lý chính thức của phía tuyển dụng.
Thời gian hợp tác giữa cộng tác viên và doanh nghiệp tuyển dụng thường là ngắn hạn hoặc theo dự án. Họ có thể là đội nhóm hoặc một doanh nghiệp nhận làm cộng tác viên cho phía đối tác chứ không nhất thiết chỉ cá nhân mới được làm cộng tác viên.
Do không phải là nhân viên chính thức nên cộng tác viên chỉ đảm nhận một mảng nhỏ mang tính chi tiết cao trong một nhiệm vụ lớn của phòng ban. Ví dụ viết bài nội dung cho phòng Marketing, thu âm nội dung bài giảng cho phòng đào tạo trung tâm ngoại ngữ…
Cộng tác viên phải cam kết bảo mật những chính sách, định hướng và nội dung công việc hoàn thành cho nhà tuyển dụng. Không được cung cấp cho bên thứ ba, cũng không được đăng trên các tài khoản mạng xã hội của cộng tác viên.
Nhà tuyển dụng tìm kiếm nguồn cộng tác viên bên ngoài nhằm giảm gánh nặng công việc cho đội ngũ chính thức, quan trọng hơn nữa là đa dạng hóa chất lượng nội dung công việc, nâng cao độ độc đáo từ nguồn lực bên ngoài. Vì vậy, tiêu chuẩn công việc của cộng tác viên rất coi trọng sự sáng tạo, đổi mới.
Nhờ có đội ngũ cộng tác viên mà doanh nghiệp vẫn đảm bảo tiến độ, chất lượng công việc mà không lo đội chi phí quản lý nhân sự lên cao. Vì thu nhập cộng tác viên sẽ trả theo hình thức khoán hoặc lương theo sản phẩm, không có những khoản bảo hiểm bắt buộc, phúc lợi, trợ cấp… như nhân viên chính thức.
>>> Bạn có thể quan tâm: Dịch vụ outsourcing là gì? Các loại hình outsourcing phổ biến hiện nay
Mặc dù vị thế của cộng tác viên không “nặng ký” như nhân viên chính thức nhưng họ cũng là một mắt xích góp phần mang lại giá trị cho tổ chức. Do đó, việc bảo vệ quyền lợi của cộng tác viên cũng đã được luật lao động quy định thông qua cách thức hợp tác giữa cộng tác viên và phía tuyển dụng
Theo khoản 1 điều 13 Bộ luật Lao động 2019 quy định
“Hợp đồng lao động là sự thỏa thuận giữa người lao động và người sử dụng lao động về việc làm có trả công, tiền lương, điều kiện lao động, quyền và nghĩa vụ của mỗi bên trong quan hệ lao động.
Trường hợp hai bên thỏa thuận bằng tên gọi khác nhưng có nội dung thể hiện về việc làm có trả công, tiền lương và sự quản lý, điều hành, giám sát của một bên thì vẫn được coi là hợp đồng lao động.”
Như vậy, những hợp đồng cộng tác viên có thể hiện các nội dung thỏa thuận liên quan đến tiền lương, tiền công, điều kiện lao động, quyền và nghĩa vụ mỗi bên thì sẽ được xem là hợp đồng lao động.
Trường hợp này thường áp dụng cho những hợp tác công việc:
Thời gian kéo dài khoảng 01 năm trở lên
Lương theo tháng bằng hoặc cao hơn lương tối thiểu vùng
Tính chất công việc phức tạp cần đảm bảo nhiều tiêu chuẩn hoàn thành
Cộng tác viên cần được hỗ trợ phương tiện, thiết bị, máy móc… chuyên nghiệp để thực hiện nhiệm vụ…
Theo điều 513 Bộ luật Dân sự 2015 quy định:
“Hợp đồng dịch vụ là sự thỏa thuận giữa các bên, theo đó bên cung ứng dịch vụ thực hiện công việc cho bên sử dụng dịch vụ, bên sử dụng dịch vụ phải trả tiền dịch vụ cho bên cung ứng dịch vụ”
Thực tế hiện nay, ký kết hợp tác giữa cộng tác viên và nhà tuyển dụng đa phần là hợp đồng dịch vụ. Trên đó chỉ thể hiện nội dung công việc mà cộng tác viên phải thực hiện và số tiền công mà phía tuyển dụng sẽ trả theo tiến độ công việc / theo tháng / theo dự án.
Thích hợp cho những trường hợp hợp tác:
Trong thời gian ngắn theo nhu cầu cấp thời hoặc theo từng dự án ngắn.
Lương trả trong ngắn hạn (theo tuần hoặc theo ngày)
Tính chất công việc chi tiết trong phạm vi nhỏ, không phức tạp
Cơ sở vật chất thực hiện công việc không mang tính chuyên biệt, cộng tác viên có thể tự trang bị…
Cộng tác viên không bị nhà tuyển dụng ràng buộc về không gian, thời gian làm việc. Các bạn được phép linh hoạt lựa chọn theo điều kiện cá nhân. Đây là một ưu điểm lớn giúp người làm cộng tác viên có thể vừa làm việc kiếm tiền, vừa sắp xếp công việc gia đình mà không phải làm giấy tờ xin nghỉ phép như nhân viên chính thức.
Một cộng tác viên có thể nhận nhiều đầu việc từ nhiều nhà tuyển dụng khác nhau, miễn là họ hoàn thành đúng và đủ mọi nhiệm vụ như đã thỏa thuận, cơ hội gia tăng thu nhập được cải thiện. Những quy định không được làm thêm, không được có hai nguồn thu nhập… mà nhiều doanh nghiệp áp dụng với nhân viên chính thức sẽ không trở thành ràng buộc khi bạn là cộng tác viên.
Cùng một tính chất chuyên môn những mỗi nhiệm vụ sẽ là một trải nghiệm mới, có thể là về chủ đề, về nội dung hoặc về đối tượng khách hàng. Tất cả đều là một cơ hội học hỏi tốt, giúp cộng tác viên nâng cao phạm vi hiểu biết, rèn luyện năng lực ứng phó, phát triển kỹ năng làm việc.
Một khi bạn đã xây dựng được thương hiệu cộng tác viên uy tín, chuyên nghiệp, năng lực tốt thì nhiều đơn hàng sẽ đến với bạn thông qua lời giới thiệu từ những khách hàng cũ đã hợp tác. Không chỉ mối quan hệ công việc được phát triển và giá trị chuyên môn của bản thân cũng được nâng cao.
Sẽ có lúc bạn rất rảnh vì chưa có dự án mới, lúc lại phải thức trắng đêm để hoàn thành cho kịp tiến độ công việc. Làm cộng tác viên là vậy đó, tính chất công việc không ổn định, nguồn thu nhập cũng không cố định như lương hằng tháng của nhân viên chính thức.
Ngoài lương ra bạn sẽ không có thêm bất kỳ một khoản chế độ quy định nào khác, như các khoản bảo hiểm, lương tháng 13, tiền thưởng Tết, du lịch thường niên, trợ cấp tiền internet, tiền điện thoại, tiền điện …
Không ai hối thúc hay lập kế hoạch làm việc cho cộng tác viên cả, tự bản thân mỗi người phải tự lên kế hoạch, tự phân bổ thời gian để hoàn thành dần nhiệm vụ. Nếu bạn lười biếng hoặc đột xuất cần giải quyết việc cá nhân gấp thì việc sẽ bị dồn, bạn sẽ dễ bị quá tải công việc.
Vì lương chỉ nhận sau khi đã hoàn thành, trao đổi công việc chủ yếu thông qua mạng chứ không gặp trực tiếp, những ràng buộc hợp tác đa phần chỉ là hợp đồng dịch vụ, có khi còn là thỏa thuận miệng nên tình trạng cộng tác viên bị “bùng” tiền cũng không ít.
Tính chất công việc cộng tác viên không quá đa nhiệm nên nhiều bạn ứng viên muốn thử sức ở nhiều lĩnh vực khác nhau. Nhưng vì phạm vi việc chi tiết không lớn nên chất lượng công việc sẽ đòi hỏi cao hơn. Vì vậy, nếu sau khoảng 1 - 2 tháng hợp tác, bạn nhận thấy chất lượng công việc không phù hợp yêu cầu từ nhiệm vụ thì bạn nên chuyển sang tính chất công việc khác, tránh lãng phí thời gian và công sức.
Nguồn cung vị trí cộng tác viên đến từ một số trang web tuyển dụng trực tuyến hoặc các hội nhóm trên các trang mạng xã hội. Dù là nguồn nào thì bạn cũng nên tìm hiểu thông tin nhà tuyển dụng trước khi quyết định hợp tác và nên ưu tiên nhà tuyển dụng có ký hợp đồng.
Nếu đó là cá nhân tuyển dụng, không có thông tin để tra cứu thì nếu bạn tâm đắc với công việc, hãy đề nghị làm thử 1 – 2 sản phẩm và nhận thu nhập sau khi hoàn thành nhiệm vụ thử đó. Đây là cách để kiểm tra tính chân thật và uy tín của nhà tuyển dụng, hạn chế phải bỏ ra công sức quá nhiều, hoàn thành hết lượng sản phẩm trong cả tháng rồi cuối cùng lại bị “bùng” tiền.
Mỗi công việc cộng tác viên đều cần tài nguyên để thực hiện, trường hợp công việc phù hợp năng lực nhưng để hoàn thành một sản phẩm, bạn phải bỏ ra quá nhiều thời gian, đầu tư cơ sở vật chất, mua nguyên vật liệu… nhưng thu nhập nhận lại không phù hợp mặt bằng giá thị trường thì quân sư khuyên bạn nên thương lượng lại tiền công hoặc quyết định ngừng hợp tác.
Vì dù là công việc không chính thức nhưng cộng tác viên làm việc có trách nhiệm, hoàn thành sản phẩm mang lại giá trị cho nhà tuyển dụng thì việc họ nhận lại khoản thu nhập đúng với công sức và chi phí bỏ ra là hoàn toàn xứng đáng. Có như vậy mới giữ được sự nhiệt huyết gắn bó lâu dài và nỗ lực làm việc tốt hơn.
Cộng tác viên là những cá nhân / đội nhóm làm việc tự do, họ có những chuyên môn riêng phù hợp với một mảng công việc chi tiết mà người tuyển dụng cần. Sự tự do về không gian, thời gian làm việc và khả năng tiếp nhận nguồn công việc đa dạng đang là ưu điểm của vị trí cộng tác viên. Tuy nhiên, lợi ích và bất lợi vẫn luôn đồng hành, vì vậy, đừng bỏ qua cẩm nang kinh nghiệm chọn nghề cộng tác viên mà quân sư TalentBold đã chia sẻ, bạn nhé.
------------------------------------
Chi tiết liên hệ:
Talentbold - We bold your talents
Hotline: 077 259 1080
Mail: sales@talentbold.com
Add: Tầng 12A.3, Tòa MD Complex, 68 Nguyễn Cơ Thạch, Nam Từ Liêm, Hà Nội, Việt Nam
Nguồn ảnh: internet