- 420k
- 1k
- 870
“Trong cái rủi còn có cái xui”, câu nói tưởng chừng như bông đùa nhưng thực tế đã trở thành một định luật nổi tiếng toàn thế giới mang tên định luật Murphy. Bài viết sau đây, quân sư TalentBold sẽ chia sẻ tất tần tật mọi vấn đề liên quan đến định luật Murphy để chúng ta thấy rằng đây không phải là định luật hướng đến điều tiêu cực, ngược lại, nó đang góp phần con người đối mặt thực tế với trạng thái tinh thần tích cực nhất.
MỤC LỤC:
1. Khái niệm định luật Murphy
2. Danh sách 14 định luật Murphy mà ai cũng phải đối mặt
3. Bài học kinh nghiệm rút ra từ định luật Murphy
3.1. Cẩn thận, không chủ quan
3.2. Học cách dự phòng rủi ro
3.3. Tự tin tiến bước
4. Định luật Murphy được áp dụng vào cuộc sống như thế nào?
4.1. Định luật Murphy không chừa một ai
4.2. Chấp nhận thực tế
4.3. Suy nghĩ tích cực
4.4. Không quá kỳ vọng, không quá thất vọng
Định luật Murphy (Murphy’s law) được xem như một câu ngạn ngữ được phát biểu bởi chuyên gia tên lửa Edward A. Murphy trong một tình huống thất bại mà ông gặp phải, điều đáng nói là thất bại đó không ai nghĩ nó sẽ xảy ra. Nguyên văn câu nói của ông là “Anything that can go wrong, will go wrong” – tạm dịch “Bất cứ điều gì có thể sai, nó sẽ sai”.
Chỉ sau một thời gian ngắn, định luật này trở nên phổ biến, được diễn đạt một cách rõ ràng hơn theo nhiều cách:
“Một điều xấu xảy ra, nó sẽ xảy ra vào thời điểm bạn không ngờ nhất” như kiểu bạn đi học đều mọi buổi thì không thấy điểm danh, chọn vắng mặt một hôm nghĩ cũng sẽ an toàn nhưng rồi giảng viên lại điểm danh vào đúng hôm đó.
“Nếu có hai hoặc nhiều cách để làm một việc gì đó, trong số đó có những cách có nguy cơ dẫn đến thảm họa, thì sự lựa chọn của con người thường sẽ là cách dẫn đến thảm họa” như kiểu để đi đến công ty đúng giờ bạn có thể đi đường lớn hoặc đi đường hẻm, bạn nghĩ trong hẻm sẽ đi nhanh hơn vì ít kẹt xe và chọn lối đi này, cuối cùng lại bị cán phải đinh, thủng lốp, đến công ty còn trễ hơn đi đường lớn kẹt xe.
Nói tóm lại, định luật Murphy là một định luật phản ánh điều mà chúng ta thường cho là vận xui. Nguyên lý chung muốn cho chúng ta thấy rằng Những nguy cơ xấu thường có khả năng xuất hiện cao hơn, và thời điểm xuất hiện thường là lúc ta ít ngờ tới nhất, hay nói cách khác “Nếu một điều không như mong đợi có thể xảy ra, nó sẽ xảy ra”.
Định luật Murphy là tổng thể của 14 định luật liên quan mọi đến mọi khía cạnh cuộc sống, khẳng định cuộc đời mỗi người không thể nào mãi bằng phẳng được:
+ Định luật 01: Bất cứ điều gì sai có thể xảy ra, nó sẽ xảy ra.
Ví dụ: Lên lớp mà không học bải là sai, bao ngày học bài không bị kêu trả bài nhưng đến hôm không kịp học bài, tưởng qua trót lọt nhưng không, Thầy lại gọi lên trả bài.
+ Định luật 02: Mọi việc đều không dễ dàng như vẻ bên ngoài của nó.
Ví dụ: Nhìn người ta tráng trứng ốp la rất đơn giản, chỉ cần cho dầu, đập trứng và lật mặt trứng là xong. Bạn làm thử thì ôi thôi, đập trứng bị vỡ tròng đỏ, dầu cho quá nhiều, ốp la thành ốp lết luôn.
+ Định luật 03: Mọi việc mất nhiều thời gian hơn bạn nghĩ.
Ví dụ: Bạn dò đường đi chỉ cần 15 phút, thế là bạn chỉ dự trù 20 phút cho toàn hành trình nhưng trên đường nào là kẹt xe, nào là mưa lớn, nào là quẹo nhầm hướng phải quay lại… làm mất đến hơn 30 phút mới đến nơi, thế là trễ hẹn.
+ Định luật 04: Nếu có nguy cơ xảy ra điều thiệt hại ở một mắt xích nào đó thì mắt xích tạo ra thiệt hại lớn nhất sẽ gặp sai sót.
Ví dụ: May một chiếc áo nếu sai vị trí khâu cúc áo thì có thể sửa chữa nhưng nếu sai vị trí khuy cài cúc áo thì phải may lại phần thân áo. Và nguy cơ sai vị trí khuy cài thường sẽ cao hơn.
+ Định luật 05: Điều không ai nghĩ sẽ sai nhưng nó vẫn sai một cách hy hữu
Ví dụ: Micro phòng họp vẫn dùng tốt trong tuần, nên họp cuối tuần đinh ninh vẫn ổn, nhưng đến khi sử dụng thì lại bị hết pin.
+ Định luật 06: Nếu bạn nghĩ quy trình chỉ có 04 trường hợp có thể gây ra sai sót, bạn đã loại trừ và nghĩ rằng an toàn, thì khi đó trường hợp thứ 05 tạo ra sai sót sẽ xuất hiện.
Ví dụ: Để đi làm vào mùa mưa thật thoải mái, bạn đã chuẩn bị áo mưa, dép nhựa thay cho giày cao gót, về sớm trước giờ hay mưa, thì trên đường về lại bị thủng lốp, phải dắt bộ xe dưới trời mưa tầm tã.
+ Định luật 07: Mọi thứ không tự tốt lên mà ngày càng trở nên tồi tệ hơn
Ví dụ: Bạn ngồi lại văn phòng đợi với hy vọng cơn mưa sẽ tạnh bớt trong 10 phút nữa nhưng càng về tối, trời càng mưa to, đành phải đội mưa về thôi.
+ Định luật 08: Mọi thứ dường như đang thuận lợi hơn thì chắc hẳn bạn đã bỏ quên điều gì đó
Ví dụ: Bỗng dưng thấy hôm nay bỗng rảnh rang hơn mọi ngày, có lẽ bạn đã quên mất một nhiệm vụ nào đó chưa hoàn thành.
+ Định luật 09: Thiên nhiên luôn đứng về phía những sai sót tiềm ẩn.
Ví dụ: Cả tuần bận rộn, đến cuối tuần háo hức thể dục, chuẩn bị mọi thứ từ đêm hôm trước, đúng 5h00 chuẩn bị xuất phát thì trời đổ mưa.
+ Định luật 10: Mẹ thiên nhiên luôn “trêu đùa” chúng ta.
Ví dụ: Bạn đem áo mưa thì trời nắng, quên một hôm thì y như rằng, trời sẽ mưa tầm tã.
+ Định luật 11: Dù đã cân nhắc đủ đường nhưng bạn cũng không thể tránh được những sai lầm do kẻ ngốc tạo ra vì họ rất tài tình, không lần nào giống lần nào cả.
Ví dụ: Người bạn chung nhóm hay đi học trễ làm nhóm bị khiển trách, bạn cất công sang đón đi học cho kịp giờ, thì hôm đó bạn ấy không đi trễ nhưng lại quên mang sách.
+ Định luật 12: Khi muốn bắt đầu một việc gì đó, bạn sẽ phải làm trước nhiều thứ khác
Ví dụ: Bạn muốn đến công ty sớm vào đầu tuần để họp giao ban đúng giờ thì cuối tuần bạn phải chuẩn bị sẵn đồng phục, tài liệu, ngủ sớm, đặt báo thức đúng giờ. Nhưng một trong số đó rất có thể phát sinh sai sót, chẳng hạn đặt nhầm giờ báo thức sáng (a.m) thành chiều tối (p.m) và rồi cũng dậy trễ.
+ Định luật 13: Mỗi giải pháp đều phát sinh thêm những vấn đề mới.
Ví dụ: Thời tiết hay mưa, để tránh ướt giày tây, bạn đem theo một đôi dép để thay nếu lỡ lúc về trời đang mưa. Giải pháp tốt nhưng lúc đeo vào mới nhận ra dép bị bong đế.
+ Định luật 14: Nếu có điều gì đó không thể tự sai sót thì sẽ xuất hiện một người làm cho nó sai sót.
Ví dụ: Bài tập cả nhóm đã hoàn thành rất chỉnh chu, tin chắc sẽ được 10 điểm nhưng người phụ trách nộp bài lại nhớ nhầm hạn cuối nộp bài, và thế là nộp trễ, bị trừ điểm.
Thông qua định luật Murphy, chúng ta đúc kết được nhiều bài học giá trị trong cuộc sống:
Điều bạn tưởng là tất nhiên phải như vậy thì vẫn luôn có những hướng rẽ bất ngờ khi triển khai trong thực tế. Vì vậy, bản thân mỗi người không thể chủ quan, duy ý chí ngay cả với những việc mà bản thân đã rất quen thuộc, đầy kinh nghiệm.
Mặc dù bản thân không thể tiên lượng hết mọi tình huống rủi ro, sai sót ngoài kế hoạch có thể phát sinh nhưng có sự chuẩn bị vẫn tốt hơn là để mặc mọi thứ tự ý diễn ra. Vì vậy, liệt kê tối đa những tình huống rủi ro có thể xuất hiện và dự phòng phương án ứng phó trong mọi kế hoạch.
Không làm gì hoặc cứ làm rồi xử lý tiếp thì đều có thể gặp phải sai sót, nhưng không làm gì thì bạn sẽ mãi giậm chân tại chỗ hoặc thụt lùi, còn cứ làm rồi tìm giải pháp cho vấn đề phát sinh mới sẽ giúp bạn tích lũy thêm nhiều kinh nghiệm, bổ sung nhiều cách hay cho vấn đề tương lai. Vì vậy, đừng quá lo nghĩ về rủi ro, mà hãy tự tin bản thân sẽ dần học được cách khắc chế rủi ro.
Định luật Murphy đọc thoáng qua thì toàn thấy những lời cảnh báo về sự rủi ro, khiến con người trở nên lo sợ, rụt rè trước mọi thứ. Tuy nhiên, sâu thẳm giá trị định luật này mang đến lại là những thông điệp tích cực về mặt tinh thần:
Dù đã chuẩn bị kỹ lưỡng, sai sót vẫn xảy ra, xui rủi vẫn đến, không phải riêng bạn đâu, ai cũng vậy, định luật Murphy đã chứng minh rồi đấy. Do đó, thay vì ủ rũ than thân trách phận, bạn hãy xem đó là một vấn đề tự nhiên, bạn gặp sai sót này, thì người khác sẽ đối mặt sai sót khác. Có vấp ngã mới có trưởng thành.
Từ những sai sót, bạn mới linh hoạt tìm được giải pháp. Từ những giải pháp cải tiến không ngừng, năng lực của bạn mới ngày càng hoàn thiện. Vì vậy, đối mặt sai sót không mong đợi, trước hết bạn phải học cách chấp nhận thực tế, bởi lẽ, qua đó tinh thần bạn mới ổn định, không để cảm xúc chùng xuống, kéo theo sự trì trệ, chán nản của não bộ khiến bản thân phải mất một khoảng thời gian để lấy lại cân bằng thay vì dùng ngay khoảng thời gian đó vào việc suy nghĩ giải pháp.
Một khi hiểu được định luật Murphy, bạn sẽ nhìn nhận vấn đề thoáng hơn, mang đến cho bản thân nhiều niềm hy vọng hơn. Điển hình như việc nhìn vào mặt tích cực khi đối mặt vấn đề tiêu cực, ví dụ xe bị cán đinh giữa đường, bạn sẽ nghĩ ngay đến mặt tích cực, may quá gần ngay công ty, không lo trễ giờ làm.
Dù có cất công chuẩn bị thật chu đáo, triển khai thật tỉ mỉ, sai sót vẫn có thể xuất hiện vào lúc bạn không ngờ đến. Hiểu được thực tế cuộc sống không bao giờ 100% như ta mong đợi, bạn sẽ không hy vọng quá nhiều, nếu sai sót xảy ra, thất vọng cũng có nhưng sẽ không quá nặng nề, tác động mạnh đến tâm lý.
Trên đây là những chia sẻ tường tận về định luật Murphy mà quân sư TalentBold muốn gửi đến. Tuy định luật chỉ đề cập đến những sai sót không mong đợi nhưng qua đó, tác giả định luật muốn chúng ta hiểu rằng sai sót phát sinh là những điều bình thường trong cuộc sốn g, ai cũng có thể gặp phải, thay vì lo lắng, chúng ta hãy xem đó như một hiện tượng tự nhiên, đừng quy chụp là vận xui để rồi bản thân từ kìm hãm nỗ lực của chính mình.
------------------------------------
Chi tiết liên hệ:
Talentbold - We bold your talents
Hotline: 077 259 1080
Mail: sales@talentbold.com
Add: Tầng 12A.3, Tòa MD Complex, 68 Nguyễn Cơ Thạch, Nam Từ Liêm, Hà Nội, Việt Nam
Nguồn ảnh: internet