- 420k
- 1k
- 870
Những tưởng Drama chỉ có trong giới giải trí, ấy vậy mà chốn công sở lại là nơi xuất hiện Drama nhiều nhất. Dù phạm vi liên quan không quá lớn nhưng mức độ “sát thương” của Drama công sở đến cá nhân người lao động và hiệu suất kinh doanh của tổ chức không hề nhỏ. Hiểu điều này nhưng nhiều người vẫn muốn dùng Drama công sở để làm bước đệm thăng tiến, liệu đây có phải là lựa chọn sáng suốt? Mời bạn cùng quân sư TalentBold phân tích và đánh giá nhé.
MỤC LỤC:
1. Khái niệm và nguồn gốc thuật ngữ “Drama” công sở
2. Những nguyên nhân dẫn đến “Drama” công sở
3. Phạm vi tác hại của Drama công sở
4. Làm thế nào để không vướng vào Drama công sở?
4.1. Về phía doanh nghiệp
4.1.1. Minh bạch trong truyền đạt thông tin
4.1.2. Đối xử công bằng và tôn trọng
4.1.3. Ghi nhận và giải quyết vấn đề phát sinh triệt để
4.1.4. Nêu gương từ cấp quản lý
4.2. Về phía người lao động
4.2.1. Tránh “buôn dưa lê”
4.2.2. Dành thời gian suy nghĩ trước khi phản hồi
4.2.3. Nhìn nhận vấn đề khách quan
4.2.4. Trao đổi trực tiếp
Drama – dịch theo nghĩa đen nghĩa là Kịch – đề cập đến những tác phẩm nghệ thuật với nhiều tình huống gay cấn, cao trào, vượt ngoài giá trị thực tế của đời sống phổ biến. Những năm gần đây, từ “Drama” được sử dụng nhiều hơn trong cuộc sống, điển hình là trên mạng xã hội với hàm ý mô tả những câu chuyện trớ trêu, những thị phi của người nổi tiếng, hay những chia sẻ bóc phốt người không nổi tiếng nhưng vẫn đủ sự gay cấn, thu hút sự quan tâm tìm hiểu và bàn luận của xã hội.
Nói riêng về Drama công sở, hình thức rất phong phú, đó có thể là việc chia bè phái nói xấu lẫn nhau, không phục tùng mệnh lệnh cấp trên, bóc phốt chuyện bí mật của đồng nghiệp, ngoại tình nơi công sở, nâng đỡ người quen một cách lộ liễu… Những điều này tạo ra tâm lý bất an không chỉ cho ban lãnh đạo mà cả cá nhân người lao động, vì một doanh nghiệp có quá nhiều Drama cho thấy hệ thống quản lý có phần thiếu đồng bộ, xu hướng vì lợi ích cá nhân nhiều hơn lợi ích tập thể thì làm sao có thể đoàn kết, thôi thúc nỗ lực làm việc hết mình.
Sự minh bạch là nền tảng xây dựng niềm tin nơi từng cá nhân người lao động. Việc đoán già đoán non, lo lắng rồi suy diễn ra nhiều vấn đề sẽ tạo ra nhiều Drama công sở thiếu căn cứ. Vì vậy, người quản lý thiếu sự trao đổi, cung cấp thông tin minh bạch với nhân viên của mình sẽ càng dẫn đến Drama tiêu cực cho tổ chức.
>>> Bạn có thể tham khảo: 5 biểu hiện của một môi trường làm việc toxic
Trình tự truyền tải thông tin qua quá nhiều cấp bậc hoặc theo phương thức truyền miệng có thể gây ra tình trạng “tam sao thất bản”, càng đi xa thông tin sẽ càng sai lệch. Điều này rất nguy hiểm nhất là ở những lĩnh vực coi trọng tính chuẩn xác trong từng chi tiết. Sai lệch thông tin dẫn đến kết quả chi tiết sai lệch, kéo theo hiệu suất tổng thể suy giảm, rồi tranh cãi, rồi đổ lỗi, Drama được dịp lên cao trào.
Bạn nghĩ mâu thuẫn sẽ tự tan biến sao, không đâu, trái lại, nó luôn âm ỉ và tích tụ ngày một lớn. Việc phớt lờ các mâu thuẫn nhỏ ở hiện tại chính là cơ sở để tạo ra những Drama công sở lớn trong tương lai. Đơn cử như việc một nhân viên bị đồng nghiệp giành công, bạn nghĩ chỉ cần tốt cho đội nhóm là được nên chỉ xoa dịu hời hợt rồi cho qua, kết quả, không chỉ nhân viên đó mà toàn bộ tập thể sau này không ai còn nhiệt tình làm việc dưới sự chỉ đạo của bạn nữa.
Cùng một chuyên môn nhưng mỗi người sẽ có cách làm việc khác nhau, như một người thích yên tĩnh tập trung công việc, một người lại phải thường xuyên ồn ào mới làm việc hiệu quả được. Mức độ xung đột phong cách làm việc vừa phải thì không sao nhưng nếu như hai thái cực thì việc bố trí họ vào cùng một đội nhóm, chắc chắn mâu thuẫn, tranh cãi, phản bác nhau sẽ ngày càng lớn.
Nhà lãnh đạo khác với Ông chủ ở chỗ, ông chủ chỉ biết ra lệnh và yêu cầu sự phục tùng, còn nhà lãnh đạo biết lắng nghe, biết trao quyền và biết đặt niềm tin vào năng lực của nhân viên. Một doanh nghiệp quản lý theo phong cách “Ổng chủ” sẽ ngày càng khiến nhân viên cảm thấy ngột ngạt và chán nản vì họ không thể thoải mái làm việc chứ nói gì đến phát triển năng lực bản thân. Những bức xúc dồn nén sẽ dần tạo thành tình huống Drama công sở, hệ lụy khiến doanh nghiệp mất nhiều nhân tài.
Drama công sở ảnh hưởng đến tinh thần làm việc của nhân sự rất lớn, từ việc bất hợp tác đến âm thầm giảm bớt nỗ lực trong hoàn thành nhiệm vụ đều khiến hiệu suất công việc của tổ chức giảm sút. Hệ lụy mang tính dây chuyền rất dễ tạo thành văn hóa doanh nghiệp tiêu cực, khó khôi phục trong thời gian ngắn.
Môi trường làm việc hết Drama này đến Drama khác, mà cái nào cũng dễ ảnh hưởng đến quyền lợi người lao động, không sớm thì muộn, nhân viên cũng sẽ tìm cách chuyển nơi làm việc. Một người rồi lại một người, doanh nghiệp sẽ mất khá nhiều nhân tài.
Doanh nghiệp có tỷ lệ chuyển việc cao sẽ khiến ứng viên mới e ngại, không tin tưởng thương hiệu nhà tuyển dụng
Doanh nghiệp có hiệu suất hoàn thành công việc thấp sẽ khiến đối tác mất lòng tin, chuyển sang hợp tác với đối thủ cạnh tranh
Như vậy, những Drama công sở vi mô đã làm ảnh hưởng lớn đến thương hiệu tổ chức ở tầm vĩ mô, làm tổn hao bao công sức gầy dựng của nhiều thế hệ quản lý trước đó.
Truyền tải thông tin thiếu hiệu quả do quản lý sợ trách nhiệm hoặc do năng lực giao tiếp kém đều sẽ làm cho nhân viên không có đủ nguồn dữ liệu cần thiết để triển khai công việc. Cụ thể là tình trạng mơ hồ, thiếu định hướng chuẩn xác, làm cho họ mất nhiều thời gian hoàn thành hơn, lãng phí nhiều nguồn lực của doanh nghiệp.
Tâm lý bất an do bị đối xử thiếu công bằng, thiếu sự tôn trọng, thiếu sự tin tưởng… của một nhân viên có thể lan tỏa nhanh chóng khắp đội nhóm, đến phòng ban rồi ra toàn tổ chức. Càng nhiều người bất an, càng nhiều sự mất tập trung trong công việc, hiệu quả thì giảm mà sai sót thì tăng lên.
Dù năng lực có tốt, tinh thần làm việc có nhiệt tình thì với những Drama công sở như chia phe cánh, ưu tiên người nhà…, nhân viên có thật lực cũng khó được đề bạt. Nếu chọn cách an phận, không nỗ lực nữa thì năng lực chuyên môn sẽ chỉ giậm chân tại chỗ, còn chọn cách tiếp tục nỗ lực làm việc để phát triển chuyên môn thì cảm giác thiệt thòi, không cam tâm sẽ ngày càng lớn.
Thông tin chung đến những thông tin chỉ đạo nhiệm vụ cá nhân đều cần cụ thể, minh bạch, có sự hồi đáp rõ ràng những thắc mắc từ người lao động, như vậy, mọi nhân viên đều hiểu rõ vai trò và cách thức triển khai nhiệm vụ, không hành động sai lệch, không lãng phí nguồn lực.
Mỗi thành viên trong doanh nghiệp đều là một mắt xích quan trọng cho thành công của tổ chức, muốn họ tin tưởng phấn đấu từ doanh nghiệp thì doanh nghiệp phải để họ cảm nhận được sự tôn trọng, đối xử công bằng. Tất cả những tiêu chuẩn khen thưởng, đề bạt, ghi nhận thành tích… đều cần được công khai và áp dụng đúng quy định
Tạo môi trường giao tiếp cởi mở giữa quản lý và nhân viên để người nhân viên có thể thoải mái chia sẻ, cùng quản lý tìm hướng giải quyết các gút mắc trong cả vấn đề tâm lý và quy trình làm việc. Doanh nghiệp nên hình thành hộp thư góp ý bí mật, cho phép nhân viên an tâm báo cáo vượt cấp khi cần thiết.
Càng ở vị trí cao cấp thì càng phải làm gương cho nhân viên.
Nếu bạn muốn nhân viên tin tưởng, hãy là người quản lý công tâm và luôn cập nhật chuyên môn.
Những buổi trò chuyện, tán gẫu ngoài công việc chính là cơ hội để Drama công sở dâng cao. Nếu bạn không muốn vướng vào Drama thì nên hạn chế tiếp cận những nhân sự hay “buôn dưa lê”, chia sẻ những thông tin phỏng đoán, suy diễn thiếu căn cứ về đồng nghiệp khác. Trường hợp cả nể, tránh mất lòng, bạn có thể nghe cho biết rồi để đó, đừng lan truyền tiếp Drama. Tuy nhiên, rất nhiều người chỉ cần bạn tiếp xúc với họ, chưa hẳn đã nghe về Drama là đã bị họ kéo vào chung nhóm Drama rồi, rất nguy hiểm, hãy cẩn trọng.
Những cảm xúc tiêu cực, bực bội khi đọc một email hay nghe một lời góp ý có thể khiến bạn phát ngôn hay hành động khiến bản thân tiếc nuối sau này. Hãy luôn dành cho mình một khoảng thời gian để bản thân lấy lại bình tĩnh, suy nghĩ thấu đáo trước khi hành động.
Một vấn đề phát sinh sẽ được nhận định tốt hay xấu tùy theo tâm trạng và quan điểm của mỗi người. Để nhận định của bạn không bị xem là thiếu căn cứ, vô tình trở thành Drama công sở thì khi đối mặt vấn đề, khoan hãy cho đó là điều xấu – ví dụ như nhân viên phạm sai lầm, khoan hãy quy hết lỗi về họ - bạn nên ghi nhận thông tin trước, phân tích theo hướng tổng thể trước khi có kết luận chính thức. Sẽ mất thời gian hơn nhưng hình ảnh của bạn trong mắt người khác sẽ “chất lượng” hơn.
Để tránh Drama công sở đi xa hơn, những người trong cuộc nên trực tiếp trao đổi với nhau thay vì cứ mãi né tránh hoặc dùng email, tin nhắn để xử lý. Tốt nhất nên tìm kiếm sự hỗ trợ như một “nhân chứng” từ quản lý của đôi bên hoặc một đồng nghiệp có uy tín trong doanh nghiệp. Những Drama nhạy cảm càng nên áp dụng cách này.
Drama công sở là những tình huống gắn liền với thông tin tiêu cực, ảnh hưởng trực tiếp đến hình ảnh và hiệu quả kinh doanh của tổ chức. Dù được “bao bọc” trong nội bộ doanh nghiệp nhưng trong thời đại số, Drama nhỏ vẫn rất dễ thành khủng hoảng truyền thông. Tạo Drama công sở đã là không tốt, dùng nó để thăng tiến cho bản thân trong khi tổn hại lợi ích vi mô và vĩ mô của tập thể thì quân sư TalentBold tin chắc sự thăng tiến này không thể nào bền vững được.
------------------------------------
Chi tiết liên hệ:
Talentbold - We bold your talents
Hotline: 077 259 1080
Mail: sales@talentbold.com
Add: Tầng 12A.3, Tòa MD Complex, 68 Nguyễn Cơ Thạch, Nam Từ Liêm, Hà Nội, Việt Nam
Nguồn ảnh: internet