maro-news
Image
maro-news
Follow US:
Quick Search
Thư giãn nơi Công sở

Học cách từ chối khéo đồng nghiệp

Học cách từ chối khéo đồng nghiệp

Khi đi làm, ngoài công việc thì những mối quan hệ đồng nghiệp cũng là mối quan tâm rất cần được chú trọng. Sẽ không ít lần, đồng nghiệp nhờ bạn làm dùm công việc, nhưng cũng không ít lần vì lý do chủ quan hoặc khách quan, bạn không thể hỗ trợ, khiến đồng nghiệp không vui. Học cách từ chối khéo đồng nghiệp mà quân sư TalentBold sắp chia sẻ bạn sẽ an tâm vừa không phải làm thêm việc, mà vẫn giữ được hòa khí.

MỤC LỤC
1 - Tại sao phải từ chối khéo đồng nghiệp?
2 - Cách từ chối khéo
     2.1. Đánh giá tầm quan trọng của mối quan hệ
     2.2. Từ chối khi công việc hiện tại quá nhiều
     2.3. Từ chối hỗ trợ một phần
     2.4. Từ chối khi bạn không muốn hỗ trợ
3. Những lưu ý khi từ chối khéo đồng nghiệp


Tuyển dụng

1 - Tại sao phải từ chối khéo đồng nghiệp? 

Hỗ trợ lẫn nhau trong công việc là điều tốt vì trong tương lai, không ai dám tự tin mình sẽ không phải nhờ sự hỗ trợ của đồng nghiệp nào cả. Tuy nhiên, thực tế có những tình huống khiến bản thân bạn phải từ chối khéo lời đề nghị từ đồng nghiệp:

1.1.  Lượng công việc của bạn quá lớn

Ưu tiên hàng đầu vẫn là đảm bảo chất lượng công việc của mình được hoàn thành với chất lượng tốt nhất. Vì vậy, nhiều khi đồng nghiệp nhờ làm hộ nhưng lượng việc của bạn quá lớn. Nếu cả nể mà cứ nhận khi việc đang quá nhiều bạn sẽ rất tất bật, lỡ mà sai sót việc chính của mình thì hậu quả bạn phải tự gánh chứ đồng nghiệp nào có gánh hộ. Vì vậy, khi nhận thấy lượng công việc đang lớn, chưa giúp ai mà đã phải bù đầu làm rồi thì hãy từ chối hỗ trợ đồng nghiệp bạn nhé.

1.2.  Đồng nghiệp chưa nỗ lực

Trong môi trường làm việc, có người siêng, tự chủ, cũng có người lười, thích nhờ vả. Với những người siêng mà thỉnh thoảng việc tăng đột xuất, họ nhờ hỗ trợ, chúng ta sẽ rất nhiệt tình vì biết họ vẫn đang rất nỗ lực, và những gì chúng ta giúp họ là xứng đáng.

Nhưng với những người lười, không cố gắng hoàn thiện kỹ năng sắp xếp công việc, cứ lúc thì gọi điện ngoài công việc, lúc thì lướt Facebook hàng giờ thì chẳng ai hào hứng hỗ trợ cả. Với nhóm người này, càng hỗ trợ, họ sẽ càng ỷ lại, giúp một lần thì họ sẽ đinh ninh bạn sẽ giúp hoài. Tốt nhất nên từ chối, vì sự tiến bộ của đồng nghiệp, cũng là vì sự phát triển của môi trường làm việc.

1.3.  Rủi ro công việc được nhờ làm khá cao

Những việc nhận hỗ trợ không nên thuộc bước công việc quan trọng, vì sự chuyên tâm của bạn là dành cho công việc của chính bạn. Thực tế, ngày nay, không tổ chức nào để cho nhân viên rảnh rỗi cả, nên chắc chắn để hoàn thành việc của mình, bạn cũng phải chạy đua cùng thời gian rồi.

Do đó, nếu hỗ trợ đồng nghiệp, chỉ nên là những phần việc nhỏ, không mang tính chất quan trọng quyết định. Còn trường hợp đồng nghiệp nhờ bạn làm hộ nhưng việc quan trọng, có khả năng phát sinh rủi ro cao thì hãy từ chối. Dù đồng nghiệp có nói sai sót thì họ sẽ chịu cũng đừng cả nể mà nhận, vì thực tế, một khi sai sót xảy ra, dù họ tự giải quyết nhưng:

Đã bỏ công còn phải mệt mỏi, gánh thị phi như vậy thì thôi tốt nhất nên từ chối ngay từ đầu.

1.4.  Công việc không thuộc chuyên môn của bạn

Đồng nghiệp cùng phòng ban giúp đỡ còn phải cân nhắc kỹ, do đó, những đồng nghiệp khác phòng ban, khác chuyên môn mà nhờ hỗ trợ bạn nên kiểm tra kỹ tính chất công việc mà họ nhờ cậy. Dù đó là lĩnh vực bạn đã được học, nhưng chưa có kinh nghiệm tiếp cận, giải quyết thực tế thì không nên nhận. Vì bạn sẽ phái:

  • Tốn một lượng lớn thời gian để nghiên cứu lại kiến thức

  • Vừa triển khai công việc đồng nghiệp nhờ, vừa lo lắng không biết làm đúng chuẩn chưa

  • Phát sinh sai sót sẽ giải quyết rất chậm vì bạn chưa có nhiều kinh nghiệm

Trong khi việc chính được doanh nghiệp giao vẫn còn chưa giải quyết xong.

2 - Cách từ chối khéo 

Đứng trước những tình huống đồng nghiệp nhờ vả mà bạn muốn từ chối, nhưng vấn muốn giữ hòa khí mối quan hệ công sở ở mức tốt nhất, bạn cần khéo léo lựa chọn và chia sẻ lý do khiến bạn không thể hỗ trợ họ được

2.1. Đánh giá tầm quan trọng của mối quan hệ 

Nếu đồng nghiệp là quản lý của bạn, hoặc là người có thể hỗ trợ bạn nhiều trong công việc tương lai thì hãy cố gắng dành thời gian cho họ. Tuy nhiên, để hạn chế rủi ro, ngoài việc xem xét kỹ độ khó của công việc được nhờ hỗ trợ, bạn còn cần phải dự phòng thời gian cho mình để không ảnh hưởng công việc chính của mình, mà vẫn an tâm chất lượng công việc hỗ trợ đồng nghiệp.

Đâu để em xem. Vâng, cái này để em làm được, nhưng mà em chưa làm ngay được nha. Chiều mai em đưa lại chị được không?

2.2. Từ chối khi công việc hiện tại quá nhiều 

Hãy dành một góc bàn làm việc để sắp xếp gọn gàng hồ sơ công việc vào đó. Khi có ai nhờ hỗ trợ, bạn chỉ cần cho họ xem chồng hồ sơ để họ biết bạn đang rất bù đầu bù cổ với nhiệm vụ của mình rồi, không còn tâm trí hỗ trợ ai nổi nữa.

Anh xem việc em làm còn nhiêu đây luôn nè, em sắp bị đè bẹp dí rồi, Sếp còn mới hối em tài liệu chiều nay. Te tua luôn, em hông hỗ trợ anh được rồi.

2.3. Từ chối hỗ trợ một phần 

Sẽ có lúc chúng ta cần đến nhau, vì vậy, nếu bạn thấy đồng nghiệp là người nỗ lực làm việc, có mối quan hệ tốt với bạn, và khả năng bạn còn hỗ trợ được thì đừng vội nói "không" ngay lập tức. Bạn hãy xem những phần việc mà họ cần hỗ trợ và nhận một phần trong số đó. Phần còn lại để đồng nghiệp nhờ người khác làm giúp.

Chà, tất cả thì chắc không hỗ trợ nổi rồi. Để mình xem coi, cái này, cái này để mình làm cho. Còn mấy cái này cậu nhờ mấy anh chị khác thử nha.

2.4. Từ chối khi bạn không muốn hỗ trợ 

Như quân sư đã nói ở trên, nếu đồng nghiệp lười biếng, không nỗ lực mà cứ đi nhờ người khác hỗ trợ khi deadline dí sát thì không ai sẵn lòng hỗ trợ cả, vì mọi người đều bận công việc, đều phải chủ động xử lý phần việc của mình, hơn nữa họ không muốn đồng nghiệp ấy ỷ lại mãi. Với những tình huống này, bạn có thể:

  • Viện lý do công việc quá bận như cách quân sư đã chia sẻ ở mục 2.2.

  • Nếu vì lòng trắc ẩn, thấy đồng nghiệp đã “nguy cấp” quá rồi thì hãy nhận một phần nhỏ việc như cách 2.3.

Để đồng nghiệp ý thức rằng, nguồn lực hỗ trợ họ cũng có giới hạn, họ không thể mãi ỷ lại mà phải tự lực cánh sinh trước, rồi mới nghĩ đến việc nhờ người khác giúp đỡ.

3. Những lưu ý khi từ chối khéo đồng nghiệp 

Lựa chọn đúng tình huống và câu từ khi từ chối đồng nghiệp là chưa đủ, chúng ta còn phải lưu ý một số chi tiết sau để không khiến đồng nghiệp cảm thấy bản thân không nhiệt tình:

3.1. Luyện tập cách từ chối

Ngữ điệu và cử chỉ khi từ chối cần phải nhất quán. Quan trọng là giọng nói phải dứt khoát, đừng ậm ừ thiếu quyết đoán. Vì như vậy đồng nghiệp sẽ cho rằng bạn vẫn có thể giúp được nhưng bạn đã không nỗ lực giúp. Trong khi thực tế, bạn bận muốn xỉu. Vì vậy, thỉnh thoảng khi rảnh, hãy luyện tập cách từ chối trong nhiều tình huống trước bạn nhé.

3.2. Lời nói luôn đi kèm bằng chứng

Như cách 2.2 mà quân sư chia sẻ, bạn nên có những minh chứng cụ thể để đồng nghiệp thấy rằng không phải bạn không muốn giúp, mà là giúp không nổi. Như vậy, cảm xúc của đồng nghiệp cũng bớt hụt hẫng, không trách móc, giận hờn.

3.3. Uống nước nhớ nguồn

Những người đã từng giúp bạn, hãy luôn nhớ cái tình đó. Dù là bận rộn, dù không thể giúp họ được, bạn cũng hãy linh hoạt nghĩ giúp họ cách giải quyết, ví dụ:

  • Áp dụng cách 2.1. để có thêm thời gian, có thể trực tiếp hỗ trợ đồng nghiệp. Biết bạn sẵn sàng làm thêm giờ để giúp họ, họ sẽ rất cảm kích.

  • Gợi mở phương án hoàn thành, ví dụ:

    • Chiều nay anh A có ghé bên công ty đó, giờ chị qua đưa giấy giới thiệu liền đi, chiều anh đem tài liệu về luôn, chứ lát anh đi công việc, trưa không về công ty đâu, chờ mấy anh giao nhận khác thì lâu lắm.

    • Phần này cùng nhóm việc của em B nè, chị qua cùng làm với em ấy luôn, đỡ mất công hai người làm hai lần…

Kỹ năng giao tiếp luôn giữ vai trò quan trọng trong môi trường công sở, minh chứng dễ thấy chính là những lần đồng nghiệp nhờ hỗ trợ, nhận giúp thì sẽ phải chia thời gian ít ỏi của mình ra để giải quyết thêm việc của đồng nghiệp, không nhận giúp thì bị giận hờn. Học cách từ chối khéo đồng nghiệp được quân sư TalentBold chia sẻ trong bài viết, bạn sẽ giảm bớt nhiều lo nghĩ cả về khối lượng công việc và mối quan hệ với đồng nghiệp.
 

Tạo CV

------------------------------------

Chi tiết liên hệ:
Talentbold - We bold your talents
Hotline: 077 259 1080
Mail: sales@talentbold.com
Add: Tầng 12A.3, Tòa MD Complex, 68 Nguyễn Cơ Thạch, Nam Từ Liêm, Hà Nội, Việt Nam


talentbold

Talentbold

TalentBold là nền tảng hợp nhất trong Quảng bá, Thu hút và Quản lý Tuyển dụng nhân tài giúp Doanh nghiệp đảm bảo nguồn lực dựa trên nền tảng công nghệ phần mềm Quản lý tuyển dụng