- 420k
- 1k
- 870
Sau hai năm bước chân vào giảng đường, bạn sẽ được nghe thông tin về những kỳ kiến tập. Đây là yêu cầu bắt buộc, được xem như học phần không thể thiếu nếu sinh viên muốn tốt nghiệp thuận lợi. Nghe nói kiến tập đòi hỏi sinh viên phải trải nghiệm và vận dụng nhiều kiến thức lắm, không biết đúng không. Hiểu được suy tư này, quân sư TalentBold quyết định chia sẻ ngay bài viết kiến tập là gì, đồng thời bật mí bí quyết để bạn có một kỳ kiến tập thành công. Nào, bắt đầu thôi!
“Kiến” trong nghĩa Hán Việt nghĩa là “Nhìn”, gắn kết với nội dung bài viết hôm nay, ta có thuật ngữ “Kiến tập” – đó là quá trình sinh viên được tận mắt quan sát cách thức làm việc, quy trình vận hành, hệ thống máy móc… Đây đều là những yếu tố liên quan mật thiết đến chuyên ngành mà sinh viên đang theo học, tuy nhiên, trước đây chỉ được học lý thuyết trên lớp, được thấy hình ảnh mô tả trong sách, chứ chưa biết trong thực tế sẽ như thế nào.
Ngày nay, tất cả các trường đại học, cao đẳng đều đưa kiến tập vào danh sách học phần với hệ số điểm cao, nhằm khích lệ sinh viên chủ động trải nghiệm, đạt được những mục đích mà giai đoạn này đặt ra. Và những mục đích cốt lõi nhất của kiến tập chắc chắn không thể thiếu:
Học lý thuyết hoài dễ chán, hình thức kiến tập nhằm giúp các bạn sinh viên hình dung được công việc mà mình sẽ làm sau này, cảm nhận những lợi ích mình đóng góp cho xã hội, từ đó thôi thúc thêm sự đam mê, yêu thích đối với ngành nghề mà mình đang theo đuổi.
>>>> Xem thêm: Sinh viên cần phân biệt giữa kiến tập và thực tập
Dù kiến tập chỉ cho phép sinh viên nhìn, quan sát chứ chưa được trực tiếp thực hành, nhưng với những gì nhìn thấy, sinh viên sẽ không lo bị bỡ ngỡ khi ra trường, tiếp quản công việc trực tiếp với nào là máy móc chuyên dụng, môi trường văn phòng năng động, cung cách quản trị công nghệ cao… Qúa trình làm quen việc, làm quen môi trường công sở được rút ngắn đáng kể.
Kỹ năng mềm là yếu tố hàng đầu mang đến thành công trong sự nghiệp. Trải nghiệm thực tế, đối mặt vấn đề và chủ động tìm cách giải quyết chính là môi trường rèn luyện kỹ năng mềm hiệu quả. Giai đoạn kiến tập mang đến cho sinh viên cơ hội nhìn thấy nhiều tình huống phát sinh trong công việc, biết cách các anh chị nhân viên giải quyết, đồng thời có thể trao đổi học hỏi thêm kinh nghiệm từ các tiền bối tại nơi kiến tập.
+ Đối với những ngành đặc thù, khó tìm nơi kiến tập hoặc khu vực kiến tập không cho người lạ vào thì sinh viên sẽ được nhà trường bố trí theo nhóm để thuận tiện tham gia kiến tập. Với trường hợp này, sinh viên không có sự lựa chọn, mà phải tuân theo sự sắp đặt của nhà trường.
+ Đối với những ngành phổ biến, sinh viên được quyền chủ động tìm nơi kiến tập cho mình. Dù sẽ vất vả hơn những ngành đặc thù, nhưng bù lại, bạn có thể tìm thấy những doanh nghiệp phù hợp nhất với nguyện vọng làm việc sau này. Thêm vào đó, nếu thành tích kiến tập tốt, sau này có thể quay lại thực tập, thậm chí được tuyển dụng luôn.
Sinh viên có thể chủ động liên hệ giảng viên/ người quen giới thiệu nơi kiến tập, hoặc trực tiếp liên hệ công ty mà mình muốn kiến tập. Để đạt hiệu quả cao, bạn nên tìm hiểu quy định kiến tập của nhà trường, liên hệ tìm nơi kiến tập từ đầu năm hai để chủ động về mặt thời gian, đừng đợi nước tới chân mới nhảy.
Thông tin doanh nghiệp có sẵn trên website, không thì nhờ chị Google, chắc chắn bạn sẽ có trong tay lĩnh vực ngành nghề, quy mô kinh doanh nơi mình sắp kiến tập, thủ sẵn thông tin này chẳng bao giờ là thừa cả. “Chủ nhà” luôn hoan hỉ, hài lòng với những “vị khách” hiểu rõ tâm ý mình.
Thông thường mỗi chuyên ngành chỉ được giao kiến tập ở một số phòng ban cụ thể, bạn nên giao lưu với anh chị khóa trên để hỏi về thông tin này (trường hợp trường chỉ định nơi kiến tập) hoặc lựa chọn phòng ban theo sở thích, năng lực cá nhân (trường hợp trường cho tự tìm). Ôn tập kiến thức phù hợp trước khi kiến tập, vừa giúp bạn gắn kết lý thuyết hiệu quả, vừa tận dụng tốt cơ hội thể hiện năng lực khi thời cơ bất ngờ xuất hiện.
>>>> Có thể bạn quan tâm: Mẫu mail gửi CV dành cho sinh viên mới ra trường
Kỹ năng giao tiếp, kỹ năng phối hợp làm việc nhóm, kỹ năng sắp xếp thời gian, kỹ năng giải quyết vấn đề… tất cả đều cần môi trường thực tế, cơ hội tiếp cận nhiều người, nhiều tình huống để rèn luyện, trau dồi và phát huy. Vậy thì còn chần chờ gì mà không tận dụng ngay giai đoạn kiến tập này.
Không ai ép bạn phải đến nơi kiến tập thường xuyên cả, không ai có thời gian để tiếp bạn hoài ở nơi kiến tập cả, không ai cho bạn một không gian ngồi trang trọng nơi kiến tập cả… Nhưng nếu bạn muốn doanh nghiệp đánh giá cao thể hiện của bạn, muốn đạt điểm số tốt, hoặc muốn sở hữu nhiều kinh nghiệm thực tế tốt cho giai đoạn xin việc sau này thì hãy chú trọng về thời gian, đúng giờ, và theo đúng lịch trình hẹn với người hướng dẫn. Dù người hướng dẫn nói “Không cần lên hoài đâu, em cứ đem quyển mẫu này về làm theo là được rồi” thì cũng hãy vì quyền lợi của mình mà nâng cao tần suất xuất hiện ở nơi kiến tập nhé.
Kiến tập có thể sẽ có lương (hiếm lắm) vì bạn đôi khi sẽ được nhờ hỗ trợ công việc, làm cái này, phụ cái kia, tất bật suốt khung giờ đăng ký kiến tập, nhưng nếu không thấy đề cập lợi ích vật chất thì cũng đừng hỏi, hoặc khó chịu bạn nhé. Vì quyền lợi cao nhất mà bạn cần sở hữu trong kỳ kiến tập chính là nâng cao kỹ năng, bổ sung kiến thức thực tế, tích lũy kinh nghiệm làm việc, vật chất đợi ra trường rồi tha hồ kiếm.
Kết quả điểm số kiến tập tốt hay xấu đều nằm gọn trong bản báo cáo kiến tập của sinh viên. Nỗ lực thật nhiều mà báo cáo không tốt, coi như công sức đổ sông đổ biển. Vì vậy, đã nỗ lực thì nỗ lực đến tận phút cuối bạn nhé.
Doanh nghiệp nhận sinh viên kiến tập đa phần đều lưu lại những bản báo cáo của sinh viên từng đến đó. Không cùng trường thì cũng cùng ngành, đều tốt cho bạn tham khảo cả. Bạn có thể hỏi người hướng dẫn kiến tập tại doanh nghiệp để có được bản báo cáo mẫu chất lượng. Ngoài ra, thư viện của trường cũng sẽ lưu lại những báo cáo kiến tập tốt. Bạn nên làm thẻ thư viện hằng năm, không mượn sách thì cũng thuận tiện mượn tài liệu, báo cáo mẫu khi cần.
Thời của quân sư TalentBold, điện thoại di động còn là thứ xa xỉ nên chỉ có thể xách xe đạp hoặc đi xe buýt đến gặp giảng viên/ người hướng dẫn của doanh nghiệp mà thôi. Thời nay có zalo, có messenger, có điện thoại thông minh… quá tiện lợi luôn. Giữ liên lạc với giảng viên và người hướng dẫn giúp bạn thuận lợi trao đổi, nhờ chỉnh sửa, góp ý. Tất nhiên, bạn nên lựa chọn tần suất liên lạc tùy theo tính cách giảng viên/ người hướng dẫn, cái gì nhiều quá hoặc ít quá đều không tốt. Trung bình tuần liên lạc 2 lần là ổn.
Cố gắng hoàn thành bản báo cáo sớm để có thời gian chăm chút cho hoàn hảo hơn. Đặc biệt, luôn chú trọng lời cảm ơn doanh nghiệp, thầy cô, nhà trường đã cho bạn cơ hội kiến tập này. Lòng biết ơn luôn tạo ấn tượng tốt cho người đọc.
Tuyệt đối không được sao chép y chang báo cáo mẫu của khóa trước. Vì không qua mắt được giảng viên đâu, bạn cần có sự độc quyền, mới mẻ thì điểm số mới cao. Hơn nữa, sẽ có báo cáo trực tiếp với giảng viên, sinh viên có thật sự siêng năng kiến tập hay không, có nắm chuẩn nội dung đã báo cáo hay không, vài câu hỏi là giảng viên biết ngay. “Vàng thật sẽ không sợ lửa”, bạn tự trải nghiệm, tự viết báo cáo thì không phải lo gì cả.
Bên cạnh kiến thức thì sự năng động của sinh viên ngày càng trở nên cần thiết cho quá trình tìm kiếm việc làm và hoàn thành nhiệm vụ sau tuyển dụng. Chính vì vậy, những kỳ kiến tập đã trở thành một phần không thể thiếu trong lịch trình môn học, nhà tuyển dụng cũng có thể nhìn vào thang điểm kiến tập để đánh giá sơ bộ về kiến thức, kỹ năng của sinh viên khi ứng tuyển. Bằng kinh nghiệm của người đi trước, những bật mí bí quyết để bạn có một kỳ kiến tập thành công mà quân sư TalentBold chia sẻ đã giúp rất rất nhiều sinh viên hoàn thành xuất sắc kỳ kiến tập của mình. Và sinh viên thành công tiếp theo sẽ là bạn đấy.
------------------------------------
Chi tiết liên hệ:
Talentbold - We bold your talents
Hotline: 077 259 1080
Mail: sales@talentbold.com
Add: Tầng 12A.3, Tòa MD Complex, 68 Nguyễn Cơ Thạch, Nam Từ Liêm, Hà Nội, Việt Nam
Nguồn ảnh: internet