- 420k
- 1k
- 870
Việc gặp phải đồng người lười biếng, thường xuyên đùn đẩy công việc có lẽ không còn là điều hiếm lạ trong môi trường công sở. Những người này không chỉ đẩy việc cho người khác mà còn liên tục làm việc thiếu hiệu suất. Họ cũng thường chậm deadline hoặc lơ đễnh khi làm việc.
Bạn đã từng gặp phải đồng nghiệp như vậy chưa? Hoặc bạn đã biết nên làm gì khi có đồng nghiệp luôn đẩy việc cho mình? Hãy để Quân sư TalentBold mách bạn một số giải pháp xử lý tình huống này hiệu quả nhất nhé!
MỤC LỤC:
1- Tìm hiểu nguyên nhân
2- Tự đánh giá chính mình
3- Trò chuyện thẳng thắn cùng đồng nghiệp
4- Từ chối dứt khoát khi đồng nghiệp liên tục đẩy việc cho bạn
5- Cung cấp cho đồng nghiệp những chỉ dẫn cần thiết
6- Trò chuyện với cấp trên
7- Không tiếp tục bao che cho đồng nghiệp đùn đẩy việc
8- Duy trì thái độ chuyên nghiệp, minh bạch
Nếu có đồng nghiệp liên tục đùn đẩy công việc cho bạn thì việc trước tiên bạn nên làm là tìm hiểu xem nguyên nhân vì sao.
Đôi khi, lý do không phải là do họ lười biếng hay cố tình đùn đẩy trách nhiệm cho bạn mà họ thực sự đang gặp khó khăn hoặc bị quá tải trong công việc.
Bạn nên cân nhắc toàn diện các khía cạnh sau để có cái nhìn đầy đủ nhất:
- Đồng nghiệp của bạn có đang bị quá tải?
- Đồng nghiệp của bạn còn thiếu kinh nghiệm hoặc không có đủ nguồn lực thực hiện công việc?
- Mức độ ảnh hưởng của vấn đề ra sao?
- Vấn đề này đã kéo dài bao lâu?
Bằng cách xác định nguyên nhân vấn đề, bạn sẽ dễ dàng tìm ra biện pháp giải quyết hơn. Cho dù điều này chưa chắc đã làm thay đổi người đồng nghiệp kia nhưng nó vẫn có thể giúp bạn hạn chế những ảnh hưởng tiêu cực tới mình.
Bên cạnh việc tìm hiểu nguyên nhân thì bạn cũng nên nhìn nhận lại bản thân để biết mình có phạm phải lỗi lầm nào khiến đồng nghiệp cố tình đùn đẩy công việc cho mình hay không.
Thường thì khi phạm sai lầm con người ta sẽ có xu hướng đổ lỗi cho các nguyên nhân khách quan. Chưa kể, việc tự đánh giá sai lầm của bản thân khá khó khăn. Để làm tốt việc này bạn cần đảm bảo sẽ thực hiện theo đúng như cách thường dùng để đánh giá người khác.
Ngoài ra, bạn cũng nên cân nhắc xem mình đang giao tiếp với đồng nghiệp như thế nào. Bạn có vô tình tạo ra cảm giác đối đầu với đồng nghiệp hay không? Nếu xảy ra điều này thì nhiều khả năng họ đang dùng cách đùn đẩy công việc để phản ứng lại với bạn.
Bạn cần nhớ rằng, mỗi người đều có thế mạnh, sở trường, cách suy nghĩ rất riêng. Nhiều lúc bạn đã quá tự phụ khi cho rằng mình là người phù hợp nhất, thực hiện công việc tốt nhất và có hành vi khiêu khích đồng nghiệp.
Khi phát hiện bản thân đang có dấu hiệu này, bạn cần nỗ lực xử lý mối quan hệ với đồng nghiệp và thể hiện sự sẵn sàng hợp tác cùng họ vì lợi ích chung của công ty.
>>> Bạn có thể quan tâm: Nên làm gì khi đồng nghiệp ghét mình?
Nếu một đồng nghiệp gần đây liên tục đùn đẩy việc cho bạn, hãy thử trò chuyện trực tiếp xem có phải họ đang gặp khó khăn gì cần trợ giúp hay không. Đôi lúc, không phải người đó cố tình lười biếng, trốn việc hay thoái thác trách nhiệm mà họ thực sự đang gặp chút vấn đề trong cuộc sống.
Tuy trợ giúp đồng nghiệp khi họ gặp chuyện là điều nên làm nhưng cũng cần có giới hạn nhất định. Bản thân bạn cũng có những nhiệm vụ, công việc riêng cần phải thực hiện. Bạn không thể nào bỏ qua tất cả công việc của bản thân để trợ giúp đồng nghiệp được.
Nói cách khác, bạn chỉ nên đồng ý giúp đỡ đồng nghiệp gặp khó khăn trong giới hạn cho phép. Đồng thời, bạn cần nói rõ với họ đây chỉ là tạm thời. Bạn cũng phải đặt ra ranh giới cụ thể về thời gian và công sức cho điều này, tuyệt đối đừng để nó làm ảnh hưởng đến năng suất làm việc của mình.
Một điểm cần lưu ý khác là bạn đừng nên vội vàng, hấp tấp khi giải quyết chuyện này. Chỉ cần bạn xác định đúng vấn đề, trò chuyện khéo léo cùng đồng nghiệp về quan điểm của mình và đạt được sự thống nhất với họ.
Trong trường hợp đồng nghiệp đó không phải là người sẵn sàng giúp đỡ người khác thì bạn cần suy nghĩ lại. Bởi trong các mối quan hệ trong môi trường công sở chỉ thực sự tốt đẹp khi có sự tương trợ lẫn nhau chứ không phải đến từ một phía.
Với một đồng nghiệp thường xuyên đẩy việc cho bạn không vì bất cứ nguyên nhân nào thì bạn nên dứt khoát từ chối họ. Nếu người đó ở trong cùng một nhóm với bạn, bạn có thể trợ giúp họ một, hai lần nhưng không thể dung túng cho họ hết lần này đến lần khác.
Một khi bạn liên tục đáp ứng lời nhờ vả của họ sẽ tạo nên thói quen xấu cho người đó. Rồi sẽ đến lúc bạn cảm thấy bản thân như đang lạc vào vòng xoáy bất tận. Bạn sẽ thêm áp lực vì phải gánh phần việc của người khác.
Chính bản thân Quân sư cũng từng phải đối mặt với một đồng nghiệp liên tục nhờ vả. Ban đầu Quân sư cũng áy náy nhiều lắm vì không giúp họ. Tuy nhiên, sau này Quân sự phát hiện người đó có thói quen nhờ vả người khác không vì lý do gì cả. Thật may vì lúc đó không trợ giúp không thì Quân sư sẽ trở thành nạn nhân mất rồi.
Theo Quân sư, trước khi nhận lời giúp đỡ đồng nghiệp, bạn nên cân nhắc xem mình có đủ năng lực làm tốt việc đó hay không, bạn có đang quá nhiều việc hoặc không đủ thời gian trợ giúp họ? Đừng nên miễn cưỡng bản thân mà hãy dứt khoát từ chối những đồng nghiệp thường xuyên nhờ vả bạn nhé!
Cũng có một số trường hợp đồng nghiệp của bạn thực sự gặp khó khăn và cần bạn giúp đỡ. Lúc này, bạn có thể hướng dẫn cho họ cách thực hiện công việc sao cho hiệu quả và năng suất nhất.
Hãy nhớ, bạn chỉ là người đưa ra hướng dẫn, đừng nên tự mình gánh vác trách nhiệm thay họ. Bạn cũng có thể cùng đồng hành với họ trong quá trình làm việc nhưng đừng bao giờ thay họ làm tất cả.
Trong môi trường công sở, mỗi người đều có vai trò, phận sự riêng của mình. Bất kể là bạn hay đồng nghiệp của bạn đều phải tự mình hoàn thành công việc được giao.
Sau khi đã trò chuyện cùng đồng nghiệp thường xuyên đẩy việc cho bạn mà không có kết quả khả quan thì đã đến lúc bạn nên nói chuyện với sếp của mình.
Bạn phải hiểu rằng thái độ trốn tránh trách nhiệm, đẩy việc cho bạn của người đó đang làm ảnh hưởng đến hiệu suất và kết quả kinh doanh chung của công ty. Cho đến lúc này, nó đã không còn là vấn đề cá nhân giữa bạn và đồng nghiệp.
Tuy nhiên, bạn nên đảm bảo đã làm hết sức mình để giải quyết vấn đề. Thậm chí, bạn cũng đã tìm kiếm sự tư vấn, giúp đỡ từ bạn bè và các đồng nghiệp khác mà mọi việc vẫn không được cải thiện.
Người thường xuyên đùn đẩy việc cho bạn có thể vì họ lười biếng. Và với một đồng nghiệp không chăm chỉ thì bạn không nên tiếp tục bao che cho họ.
Trợ giúp đồng nghiệp khi họ gặp khó khăn là việc tốt, nhưng bao che cho sự lười biếng, kém cỏi của họ là đang làm hại chính họ và cả bản thân bạn.
Nếu bạn liên tục giúp đỡ họ, họ sẽ càng trì trệ giải quyết vấn đề của mình và dần mất đi động lực làm việc cũng như cải thiện bản thân. Chưa kể, nếu bạn ngừng giúp họ sau một thời gian dài làm việc này sẽ khiến họ cho rằng bạn có khúc mắc với họ hoặc là bạn không còn đối tốt với họ nữa.
Hãy nhớ, bạn không có trách nhiệm phải làm việc thay đồng nghiệp của mình. Bạn cũng không phải là giải pháp thường xuyên của họ. Việc cả nể sẽ chỉ khiến họ không tôn trọng bạn. Tệ hơn, bạn còn trở nên lơ là nhiệm vụ của mình và bị người đó làm trì trệ.
Gặp phải đồng nghiệp thường xuyên đẩy việc là điều không ai muốn. Những người này không chỉ làm phiền bạn mà còn có thể gây ra ảnh hưởng xấu cho kết quả công việc cũng như xảm xúc của bạn.
Cách tốt nhất để ứng phó với người như vậy là bạn đừng nên học theo họ. Họ có thể đẩy việc, lười biếng làm việc nhưng bạn không nên làm điều tương tự. Sự bất mãn nho nhỏ này có thể khiến cấp trên đánh giá thấp hiệu suất làm việc của bạn.
Đồng thời, bạn càng nên tập trung nhiều hơn vào việc hoàn thành công việc được giao. Hãy cố gắng gạt bỏ đi người đồng nghiệp đẩy việc kia và cũng không nên phàn nàn hay nói xấu về người đó với đồng nghiệp khác. Điều này chỉ khiến vấn đề càng thêm trầm trọng mà thôi.
Bạn không sai khi trợ giúp đồng nghiệp gặp khó khăn. Tuy nhiên, bạn đừng nên để nó tiến hóa thành một thói quen xấu tại nơi bạn làm việc.
Hơn nữa, chính bản thân bạn cũng có công việc phải hoàn thành. Nếu liên tục chạy theo trợ giúp đồng nghiệp khác bạn sẽ tự làm giảm sút hiệu suất công việc của bản thân.
Trên đây chỉ là một vài chia sẻ của Quân sư TalentBold về việc nên làm gì khi bạn có đồng nghiệp đùn đẩy công việc. Bạn nên vận dụng chúng khéo léo trong từng trường hợp cụ thể để không khiến bản thân phải ôm đồm nhiều việc mà vẫn có mối quan hệ tốt với đồng nghiệp. Chúc bạn thành công!
------------------------------------
Chi tiết liên hệ:
Talentbold - We bold your talents
Hotline: 077 259 1080
Mail: sales@talentbold.com
Add: Tầng 12A.3, Tòa MD Complex, 68 Nguyễn Cơ Thạch, Nam Từ Liêm, Hà Nội, Việt Nam
Nguồn ảnh: internet