- 420k
- 1k
- 870
Một trong những chỉ số kinh tế quan trọng, có tác động mạnh đến các quyết sách kinh tế chính là chỉ số lạm phát. So với giảm phát, tần suất xuất hiện của lạm phát luôn nhiều hơn hẳn mang đến cho thị trường trong và ngoài nước nhiều hệ lụy khó khăn. Bài viết hôm nay, quân sư TalentBold sẽ tập hợp súc tích những kiến thức quan trọng liên quan đến khái niệm lạm phát là gì, kèm những nguyên nhân dẫn đến lạm phát để mọi bạn đọc dễ dàng nắm bắt.
MỤC LỤC:
1 - Lạm phát là gì?
2 - Nguyên nhân dẫn đến lạm phát
2.1. Lạm phát do cầu kéo
2.2. Do xuất khẩu/nhập khẩu
2.3. Lạm phát tiền tệ
2.4. Lạm phát cơ cấu
3 - Ảnh hưởng của lạm phát tới kinh tế
3.1. Mặt tích cực
3.2. Mặt tiêu cực
Định nghĩa theo học thuật thì lạm phát là sự tăng mức giá chung liên tục của hàng hóa, dịch vụ theo thời gian và là sự mất giá của một loại tiền tệ nào đó theo kinh tế vĩ mô.
Hiểu đơn giản, đây là tình trạng đồng tiền mất giá, bạn phải tốn nhiều tiền hơn để mua cùng một mặt hàng ở thời điểm khác trong năm. Chẳng hạn, đầu năm một tô phở là 40.000 đồng, giữa năm đã tăng lên 50.000 đồng. Như vậy, để có được cùng một tô phở, bạn sẽ phải tốn nhiều hơn 10.000 đồng, nghĩa là giá trị đồng tiền đã bị giảm đi 10.000 đồng chỉ sau nửa năm.
>>>> Lương hưu là gì? Quy định về tuổi nghỉ hưu
Lạm phát là tình trạng diễn ra hàng năm, hầu như quốc gia nào cũng phải đối mặt, nguyên nhân chủ yếu đến từ:
“Cầu” ở đây chính là nhu cầu tiêu dùng của thị trường. Khi nhu cầu thị trường tăng cao về một loại hàng hóa nào đó, trong khi nguồn cung tăng không nhanh bằng, dẫn đến cầu lớn hơn cung, hàng hóa đó khan hiếm, và thế là giá cả tăng lên.
Nếu hàng hóa đó có mối liên hệ với những mặt hàng khác thì sẽ tạo phản ứng dây chuyền, làm tăng giá của các mặt hàng liên quan luôn. Chẳng hạn, khi xăng tăng giá, đơn vị cung cấp thức ăn chăn nuôi sẽ tăng giá vì họ cần dùng xăng để vận chuyển hàng, dẫn đến giá heo, gà, vịt thành phẩm cung cấp ra thị trường tăng theo luôn.
Xuất khẩu tăng, nghĩa là nhu cầu tiêu thụ của các quốc gia khác tăng, cho thấy Tổng cung (ớ nước xuất khẩu) thấp hơn Tổng cầu (ở các nước nhập khẩu). Thị trường ở nước xuất khẩu sẽ phải gom hàng để đáp ứng các đơn đặt hàng từ các quốc gia khác, dẫn đến lượng hàng tiêu thụ trong nước (của quốc gia xuất khẩu) giảm mạnh, giá bán trong nước tăng, lạm phát tăng.
Nhập khẩu tăng, nhu cầu tiêu thụ trong nước dù có tăng hay ổn định như trước nhưng chỉ cần thuế nhập khẩu tăng, hoặc giá bán từ các quốc gia sản xuất tăng là đủ khiến giá hàng hóa nhập khẩu tăng rồi, lạm phát từ đó cũng hình thành.
Khi lượng tiền nội tệ lưu hành trong nước tăng lên do các chính sách đảm bảo giá trị đồng tiền, ví dụ:
Bơm tiền ra thị trường mua ngoại tệ để giữ đồng tiền khỏi mất giá so với ngoại tệ
Ngân hàng trung ương mua công trái của Nhà nước
Đều sẽ khiến lượng nội tệ tăng cao trên thị trường, trong khi khối lượng hàng hóa, dịch vụ không thay đổi. Khi giá cả phân phối theo đúng lượng tiền thị trường có được, giá các mặt hàng sẽ tăng lên, gây ra lạm phát.
Doanh nghiệp kinh doanh hiệu quả, họ thu được doanh thu cao hơn nhiều so với giá vốn, và tăng tiền công “danh nghĩa” cho nhân viên bằng khoản chênh lệch này.
Doanh nghiệp kinh doanh không hiệu quả, họ thu được doanh thu cao hơn rất ít so với giá vốn, phần chênh lệch không đủ tăng tiền công “danh nghĩa” cho nhân viên. Vì vậy, họ phải tăng giá bán sản phẩm ra thị trường để kiếm được khoản lợi nhuận cao hơn, tương ứng với khoản tăng tiền công, dẫn đến giá hàng hóa tăng.
Nói là tiền công “danh nghĩa” vì nhìn con số thì tăng đó, nhưng thực chất là không tăng. Vì số lượng hàng hóa, dịch vụ, chi tiêu mà nhân viên mua được từ khoản tiền công “danh nghĩa” đó không tăng lên, thậm chí còn ít hơn trước vì tiền công không thể tăng kịp tốc độ lạm phát.
Lạm phát là vấn đề kinh tế khiến mỗi quốc gia luôn phải trăn trở nhiều, vì bên cạnh mặt tích cực, thì mặt tiêu cực luôn chiếm ưu thế hơn:
Sự tích cực của lạm phát chỉ xuất hiện khi quốc gia có khả năng kiểm soát tỷ lệ lạm phát ở mức vừa phải. Cụ thể, với nước đang phát triển (trong đó có Việt Nam) là dưới 10%, với nước phát triển từ 2 – 5%.
Khi đó, tình hình lạm phát vừa phải này sẽ tạo ra lợi ích cho nền kinh tế:
Khích lệ tiêu dùng, khích lệ vay nợ, khích lệ đầu tư vì lãi suất cho vay ở mức vừa phải, người vay an tâm về khả năng chi trả.
Doanh nghiệp vay sản xuất với lãi suất tốt, tạo ra sản phẩm có mức giá phù hợp, thu hút nhiều khách hàng, tạo ra nhiều công ăn việc làm cho người lao động.
Chính phủ có nhiều cơ sở lựa chọn công cụ kích thích đầu tư vào những lĩnh vực tạo ra lợi nhuận thấp nhưng giải quyết việc làm cho lượng lao động lớn, hoặc mang lại giá trị phát triển bền vững lâu dài cho đất nước.
Khi lạm phát không thể kiểm soát ở mức lý tưởng, những hệ lụy tiêu cực phát sinh sẽ rất nhiều:
Lãi suất thực = Lãi suất danh nghĩa - Tỷ lệ lạm phát
Lãi suất tiền gửi danh nghĩa sẽ tăng để thu hút khách hàng gửi vào, vì nếu lãi suất không tăng, tiền lãi tiết kiệm thấp, khách hàng sẽ tìm kiếm nguồn đầu tư khác, điều này sẽ gây khó khăn cho nguồn vốn của các tổ chức tín dụng.
Nhưng khi lãi suất tiền gửi danh nghĩa tăng thì kéo theo lãi suất cho vay danh nghĩa cũng tăng cao theo. Khiến các doanh nghiệp sản xuất và cá nhân tiêu dùng khó tiếp cận nguồn vốn vay vì lo ngại về khả năng chi trả.
Thu nhập danh nghĩa là khoản tiền người lao động được nhận
Thu nhập thực tế được phản ánh thông qua số lượng hàng hóa, dịch vụ thực tế mà người dân mua được.
Khi lạm phát tăng, thu nhập danh nghĩa không tăng thì lượng hàng hóa, dịch vụ mua được sẽ giảm sút đáng kể, đồng nghĩa thu nhập thực tế của người lao động đã bị giảm xuống.
>>>> Có thể bạn quan tâm: Lương tháng thứ 13 là gì? Cách tính lương tháng 13 như thế nào?
Thuế sẽ tính theo tỷ lệ % dựa trên khoản chi tiêu thực tế, dễ thấy nhất là thuế VAT (thuế giá trị gia tăng) khi chúng ta mua hàng hóa. Trước đây, giá nồi cơm điện là 400.000 đồng, VAT 10% là 40.000 đồng, tổng là 440.000 đồng. Giờ lạm phát, giá mặt hàng tăng lên 500.000 đồng, VAT cũng tăng theo thành 50.000 đồng.
Người dư tiền sẽ gom hàng hóa, sản phẩm, còn gọi là đầu cơ, rồi “ghim” hàng chờ giá cao bán kiếm lợi nhuận lớn. Hành động này khiến hàng hóa đã khan hiếm càng khan hiếm, giá đã cao sẽ càng cao. Những người dân nghèo sẽ trở nên khó khăn hơn vì thu nhập danh nghĩa của họ tăng chậm hoặc không tăng, khó có đủ tài chính để mua hàng hóa giá cao, ngay cả hàng hóa thiết yếu cho sinh hoạt đơn giản thông thường.
Lạm phát giúp chính phủ thu được khoản tiền nội tệ nhiều hơn thông qua các khoản thuế thu nhập cá nhân, thuế giá trị gia tăng… Nhưng trên thị trường quốc tế, đồng nội tệ cũng sẽ bị mất giá nhiều so với các ngoại tệ khác.
Khi vay nợ, quốc gia vay nợ sẽ phải vay bằng đồng ngoại tệ của quốc gia cho vay, và trả cũng phải theo đồng ngoại tệ đó. Đến khi trả nợ mà gặp tình trạng lạm phát, đồng tiền trong nước mất giá, khiến chính phủ phải tốn nhiều tiền nội tệ hơn để mua ngoại tệ trả nợ, nhiều khi khoản thu từ thuế trong nước không thể bù đắp được khoản chênh lệch tỷ giá. Do đó, lạm phát càng cao thì việc trả nợ của chính phủ càng trở nên khó khăn.
Lạm phát là thuật ngữ chỉ tình trạng đồng tiền nội tệ bị mất giá, giá cả hàng hóa tăng cao, khiến việc chi tiêu cuộc sống phải dùng nhiều tiền hơn. Những nguyên nhân dẫn đến lạm phát có thể đến từ chính sách kinh tế vi mô của nhà nước, cũng có thể đến từ tình hình tiêu thụ thực tế của cung cầu thị trường. Với những thông tin quân sư TalentBold đã cung cấp, chúng ta vừa hiểu hơn về thuật ngữ, vừa có những dự trù chuẩn bị phù hợp cho cuộc sống chi tiêu theo thời gian.
------------------------------------
Chi tiết liên hệ:
Talentbold - We bold your talents
Hotline: 077 259 1080
Mail: sales@talentbold.com
Add: Tầng 12A.3, Tòa MD Complex, 68 Nguyễn Cơ Thạch, Nam Từ Liêm, Hà Nội, Việt Nam