- 420k
- 1k
- 870
Kiến tập là học phần bắt buộc đối với mỗi sinh viên trong suốt quá trình học tập tại giảng đường. Hệ số đánh giá học phần này lại khá cao nên việc làm sao để có kỳ kiến tập hiệu quả luôn là chủ đề được đông đảo sinh viên năm 2 trở lên quan tâm. Đừng lo lắng, những bí kíp chinh phục thử thách này sẽ được quân sư TalentBold chia sẻ ngay và luôn trong bài viết dưới đây.
MỤC LỤC
1 - Kiến tập là gì?
2 - Tại sao cần đi kiến tập?
3 - Cách để có kỳ kiến tập hiệu quả
3.1. Chủ động tìm hiểu học hỏi
3.2. Thân thiện hòa đồng cùng tập thể
3.3. Nhiệt tình học hỏi từ người hướng dẫn
3.4. Song hành giữa kiến tập và báo cáo kiến tập
3.5. Trao đổi cùng giảng viên hướng dẫn báo cáo kiến tập
3.6. Chuẩn bị tốt cho đợt bảo vệ báo cáo kiến tập
3.7. Tổng kết và đánh giá những gì đã học được từ kỳ kiến tập
Kiến tập là giai đoạn sinh viên sẽ được tạm nghỉ hoặc giảm bớt học phần các môn chuyên ngành tại trường để đến một doanh nghiệp hoạt động đúng chuyên nganh đang học. Tại đây, sinh viên sẽ trực tiếp quan sát, xem tài liệu, ghi nhận thực tế làm việc giống và khác ra sao so với lý thuyết chuyên môn đã được học trên giảng đường.
Tất cả các trường đại học, cao đẳng đều đã đưa “kiến tập” vào học phần bắt buộc, nếu không hoàn thành sinh viên sẽ không được xét tốt nghiệp. Mức độ quan trọng cao đến vậy là bởi vì thông qua kỳ kiến tập, sinh viên có thể:
Không hiếm những bạn sinh viên đăng ký chuyên ngành vì có bạn thân học, vì đang là ngành “hot”, vì truyền thống gia đình… chứ chưa thực sự hiểu rõ giá trị mà ngành học mang lại cho xã hội, cũng như chưa cảm nhận được giá trị cống hiến của bản thân khi theo học chuyên ngành đó. Chính kỳ kiến tập, với việc tham quan công trình, nhà máy, quan sát môi trường làm việc thực tế sẽ giúp sinh viên nâng cao nhận thức về ngành học, nâng cao nhiệt huyết học tập.
Trên giảng đường, bạn sẽ học rất nhiều chuyên môn nhưng tất cả đều ở bề nổi, không có sự gắn kết thực tế. Tham gia xong kỳ kiến tập, mỗi bạn sinh viên sẽ hiểu rõ hơn trình tự triển khai, gắn kết các chuyên môn mà mình đã học. Bạn có cơ hội đánh giá sở trường, sở thích bản thân với một nhóm chuyên môn, từ đó, định hướng hiệu quả vị trí công việc mà mình mong muốn theo đuổi sau khi tốt nghiệp, giảm bớt đi sự ưu tư, vô định khi ra trường.
Tham gia kiến tập, bạn được:
Tiếp xúc với doanh nghiệp đúng chuyên ngành, xây dựng mối quan hệ tốt, bạn có thể đăng ký xin thực tập ngay tại đó, đỡ phải tìm kiếm doanh nghiệp khác.
Hiểu được vị trí công việc mà bản thân yêu thích, từ đó lựa chọn đề tài thực tập tốt nghiệp phù hợp, điểm số cao là rất khả thi.
Phát triển kỹ năng mềm, không còn rụt rè khi vào môi trường làm việc, không bỡ ngỡ khi tiếp cận máy móc thiết bị hỗ trợ công việc. Tiếp quản nhiệm vụ thực tập tốt, cơ hội tuyển dụng sau tốt nghiệp cao.
Qua phân tích trên đây, cho thấy kiến tập là một giai đoạn cung cấp trải nghiệm thực tế khởi đầu rất quan trọng. Do đó, dù là kiến tập lần đầu tiên hay lần 2, lần 3 thì việc chuẩn bị mọi nguồn lực để có kỳ kiến tập hiệu quả đều rất cần thiết, không chỉ tốt cho điểm số học phần kiến tập, mà còn mang lợi ích cho cả giai đoạn tốt nghiệp và tìm kiếm công việc sau này:
Trước kỳ kiến tập, bạn nên dành thời gian lên thư viện trường để tham khảo báo cáo kiến tập của những anh chị khóa trước. Như vậy, bố cục trình bày, nội dung thể hiện, thông tin dữ liệu cần thu thập… bạn đều đã chủ động nắm bắt. Qu á trình hoàn tất báo cáo kiến tập sẽ không khiến bạn phải “lao tâm khổ tứ” nữa, có thêm nhiều thời gian và tâm sức cho việc tích lũy kiến thức chuyên môn tại doanh nghiệp kiến tập.
Mỗi kỳ kiến tập, bạn sẽ được chia nhóm cùng với nhiều sinh viên để đến một doanh nghiệp do nhà trường chỉ định. Đi cùng mọi người sẽ có nhiều cái lợi:
Mỗi người mỗi thắc mắc nên lượng kiến thức tiếp thu sẽ rất lớn
Không lo bị bỡ ngỡ, lạc lõng khi đến môi trường làm việc khác xa với môi trường học tập
Rèn luyện kỹ năng giao tiếp từ bạn bè xung quanh, có nhiều cơ hội thực hành kỹ năng mềm quan trọng này.
Bạn sẽ được 1 – 2 người hướng dẫn do doanh nghiệp đắc cử đến. Thông qua các anh chị giàu kinh nghiệm, bạn hoàn toàn có thể trao đổi những vướng mắc về ngành học, ví dụ:
Học ngành của em làm vị trí nào là phổ biến ạ?
Em thích làm việc với con số, vị trí nào trong công ty mình em có thể xin thực tập vậy anh/ chị?
Em xem xong tài liệu rồi, có việc gì em phụ anh/ chị được không?...
Dù bản thân có rất nhiều điều muốn hỏi nhưng hãy thể hiện sự tinh tế bằng cách hỏi đúng trọng tâm và đúng thời điểm. Khi nhân viên phòng ban hay người hướng dẫn đang bận, thay vì toàn hỏi để giải tỏa thắc mắc cho mình thì bạn nên đề nghị được hỗ trợ công việc. Có thể chỉ là photo, giao tài liệu hộ… nhưng chính những hành động nhỏ này sẽ tạo được ấn tượng lớn với tập thể tại nơi kiến tập.
Bạn nên dựa theo bố cục báo cáo kiến tập để nhờ anh/ chị hướng dẫn chia sẻ thông tin. Đừng đợi đến khi kỳ kiến tập kết thúc rồi mới cắm cúi làm báo cáo. Cách hiệu quả nhất là thiết lập sườn bài báo cáo từ khi bắt đầu kiến tập, hoàn thiện dần mỗi nội dung trong thời gian kiến tập. Như vậy, bạn sẽ không bị quá tải vào phút chót, cũng không để lãng phí cơ hội thu thập dữ liệu từ người hướng dẫn, vì khi kết thúc kỳ kiến tập rồi, việc liên lạc và có được thông tin sẽ khó khăn hơn là lúc bạn đang kiến tập tại doanh nghiệp.
Bạn nên tranh thủ hoàn thành bản thảo báo cáo kiến tập trước thời gian quy định để đưa giảng viên hướng dẫn xem qua. Những góp ý của giảng viên sẽ giúp bạn điều chỉnh lại bản báo cáo hiệu quả hơn, đồng thời, cũng có thời gian bổ sung thêm thông tin dữ liệu còn thiếu. Lúc này, một lần nữa bạn nên vào thư viện để so sánh giữa bản báo cáo của mình với báo cáo kiến tập điểm cao khóa trước. Nếu hay hơn thì an tâm, còn chưa hay bằng thì vẫn kịp bổ sung.
Bạn cần nắm rõ, thậm chí là thuộc lòng mọi nội dung trình bày trong báo cáo kiến tập, cũng như những thông tin mà trong báo cáo không thể hiện, chẳng hạn như:
Tên giám đốc, phó giám đốc doanh nghiệp?
Phòng ban nơi bạn kiến tập có bao nhiêu nhân sự, bao nhiêu vị trí chuyên môn?
Từ trường đến doanh nghiệp kiến tập đi như thế nào?...
Tất cả đều có thể trở thành câu hỏi khi bạn bảo vệ báo cáo kiến tập vì giảng viên muốn chắc rằng những gì trên báo cáo là người thật, việc thật, kiến tập thật.
Những cái hay, cái chưa hay trong đợt báo cáo kiến tập của bạn và bạn bè đều sẽ là bài học mà bạn cần ghi chú lại đầy đủ. Qua đó, rút ra những kinh nghiệm cho đợt kiến tập và thực tập sau này, điển hình như:
Chủ đề kiến tập / thực tập được khuyến khích, dễ có điểm cao?
Giảng viên hướng dẫn nào hỗ trợ sinh viên nhiều?
Phân bổ thời gian cho kế hoạch kiến tập và hoàn thành báo cáo sao cho hoàn hảo hơn
Bên cạnh đó, cần giữ liên lạc với người hướng dẫn kiến tập để có được những tư vấn hữu ích vì anh/chị đó là người có kinh nghiệm trong chuyên ngành. Ngày nay dễ dàng hơn thời của quân sư nhiều, vì chúng ta có công nghệ hỗ trợ, có Facebook, Zalo để giữ sự kết nối nhanh và đơn giản.
Mặc dù kiến tập chỉ cho phép sinh viên quan sát chứ chưa được thực hành nhiều nhưng giá trị kiến tập mang lại luôn được chú trọng, kể cả là vì điểm số học phần trước mặt hay vì lợi ích tương lai. Làm sao để có ký kiến tập hiệu quả luôn cần sự chủ động và ý thức lên kế hoạch từ mỗi sinh viên. Áp dụng những gì quân sư TalentBold chia sẻ, bạn sẽ có được những kinh nghiệm hữu ích ngay từ lần kiến tập đầu tiên. Chúc bạn thành công!------------------------------------
Chi tiết liên hệ:
Talentbold - We bold your talents
Hotline: 077 259 1080
Mail: sales@talentbold.com
Add: Tầng 12A.3, Tòa MD Complex, 68 Nguyễn Cơ Thạch, Nam Từ Liêm, Hà Nội, Việt Nam