- 420k
- 1k
- 870
Giá trị mà lòng tự tôn mang lại không chỉ phục vụ cho cuộc sống thường nhật mà còn ảnh hưởng lớn đến hành trình sự nghiệp, vì vậy, lòng tự tôn luôn được khuyến khích xây dựng ở mỗi người lao động. Tuy nhiên, ý nghĩa lòng tự tôn là gì thì rất nhiều người trong chúng ta vẫn còn mơ hồ nên việc định hình và phát triển tố chất này cũng còn nhiều vướng mắc. Nhưng bạn đừng lo, quân sư TalentBold sẽ đồng hành cùng bạn trong hành trình này.
MỤC LỤC:
1. Lòng tự tôn là gì?
2. Sự khác nhau giữa lòng tự tôn và lòng tự trọng
3. Biểu hiện dễ thấy ở người có lòng tự tôn tích cực
4. Lòng tự tôn ảnh hưởng thế nào đến sự nghiệp
5. Làm thế nào để xây dựng lòng tự tôn hiệu quả trong công việc?
5.1. Đừng tạo áp lực lớn cho bản thân
5.2. Hiểu rõ giá trị mình mang lại
5.3. Không ngừng phấn đấu mỗi ngày
5.4. Hỗ trợ, giúp đỡ đồng nghiệp
Lòng tự tôn là thuật ngữ phản ánh ý thức của mỗi người về giá trị cá nhân mà mình đang sở hữu, giúp con người nhận thức được sự vượt trội của bản thân, tự tin đưa ra quyết định, tôn trọng giá trị mình mang đến cho cuộc sống, yêu thương chính mình và bản lĩnh bảo vệ chính mình.
Lòng tự tôn cũng như những tố chất khác, đều được hình thành dần trong quá trình phát triển và trải nghiệm cuộc sống riêng của mỗi người. Tiêu biểu như những thành tích học tập thời niên thiếu, những lời khen từ cha mẹ, những sự công nhận từ đồng nghiệp… đã hun đúc nên sự tự tin, niềm kiêu hãnh, lâu dần hợp thành lòng tự tôn nơi bản thân.
Lòng tự trọng và Lòng tự tôn thường được sử dụng nhiều khi đề cập đến sự nhận thức giá trị cá nhân, điều này khiến nhiều người nhầm tưởng hai thuật ngữ này “tuy 2 mà là 1”, nhưng thực tế, đây là hai thuật ngữ phản ánh hai phạm trù có tính chất riêng
Tự tôn là việc thể hiện sự tự hào, đề cao giá trị của bản thân trước những lời so sánh, bàn luận của người khác, không để người khác xúc phạm, xem thường. Những giá trị này người tự tôn đã sở hữu rồi, đã gặt hái được rồi. Hành động bảo vệ sự tự tôn của mỗi cá nhân chủ yếu thông qua lời nói.
Ví dụ: Tôi tự tin ứng tuyển vào vị trí quản lý vì thành tích tôi đã gặt hái được trong suốt 5 năm làm việc vừa qua, cả về chuyên môn và kỹ năng quản lý đội nhóm đều vượt kỳ vọng của tổ chức.
Tự trọng là việc tôn trọng giá trị tốt đẹp mà bản thân lấy làm quan điểm sống và làm việc, nỗ lực để duy trì những giá trị đó ở hiện tại và tương lai cho dù có phải đối mặt với khó khăn, thử thách. Như vậy, lòng tự trọng có ý nghĩa rất gần với lòng tự tôn nhưng thiên về hành động nhiều hơn là lời nói.
Ví dụ: Tôi được đề bạt vào vị trí quản lý này một phần vì sự trung thực, chính trực và liêm khiết trong suốt quá trình phấn đấu, nên dù tình hình thế nào, kết quả đấu thầu sắp tới vẫn sẽ được quyết định dựa trên sự phân tích công tâm.
>>> Bạn có thể quan tâm: Lòng tự trọng nơi công sở quan trọng như thế nào?
Lòng tự tôn tích cực hay lòng tự tôn cao sẽ được cảm nhận rõ thông qua những biểu hiện sau:
Bằng sự tự tin và những kinh nghiệm đã trải qua, người có lòng tự tôn luôn biết cách đúc kết và thể hiện chính kiến của bản thân trước mọi vấn đề cuộc sống. Ngay cả trong công việc, trước những tiền bối có nhiều kinh nghiệm, họ vẫn không ngại nêu chính kiến để mọi người cùng thảo luận, không sợ bị ghét, không sợ bị cô lập.
Người tự tôn không phải là người cố chấp, họ biết cách lắng nghe, chấp nhận sự bổ sung tích cực nhưng tuyệt đối không chấp nhận sự phản bác, chế giễu suy nghĩ của họ một cách tiêu cực. Đó là một sự xúc phạm đối với lòng tự tôn của họ.
Người tự tôn rất tin tưởng vào năng lực sẵn có của bản thân, đôi khi họ bị xem là hơi tự cao nhưng tất cả đều xuất phát từ thực tế thành tích và hiệu quả công việc mà họ đã đạt được. Do đó, khi đề ra mục tiêu, người tự tôn luôn thể hiện sự tự tin và quyết tâm cao độ.
Những sai sót hoặc thất bại có thể khiến lòng tự tôn của một người bị tổn thương, do đó, họ luôn cẩn trọng trong mọi hành động và lời nói. Cách thức làm việc có nguyên tắc cũng xuất phát từ nguyên nhân giảm thiểu rủi ro này.
So sánh mình với người khác chỉ là hành động của người tự ti, cho dù ngôn từ có khẳng định sự giỏi giang hơn người khác nhưng sâu thẳm bên trong là sự lo lắng, thiếu tự tin của bản thân. Người có lòng tự tôn cao sẽ rất ít khi làm như vậy, nếu có cũng chỉ là khi họ đang thiết lập mục tiêu mới để chinh phục mà thôi.
Những đánh giá cao thường sẽ đi kèm theo đó là những trọng trách lớn hơn trong tương lai, người khác có thể e dè, ngại ngùng nhưng người có lòng tự tôn thì hoàn toàn tự hào đón nhận những lời khen, lời công nhận đó vì họ biết họ xứng đáng và họ đủ bản lĩnh để làm tốt hơn nữa.
Sự tự tin mà lòng tự tôn mang lại giúp chúng ta cảm thấy những khó khăn trước mắt chỉ là thử thách để trưởng thành hơn, chứ không phải rào cản ngăn bước ta thành công. Niềm tin này là liều thuốc tinh thần đắt giá giúp tập thể vượt qua những thách thức cạnh tranh nơi thương trường.
Có chính kiến là điều tốt nhưng cứ nhu nhược để người khác lấn át và bác bỏ chính kiến của mình thì không hay. Người tự tôn có một cái hay là họ vừa có chính kiến, vừa có lập luận thực tế để bảo vệ chính kiến của mình. Điều này sẽ bản thân nhân viên cũng như doanh nghiệp hạn chế những lung lay tư tưởng trong những tình huống mà mình sắp nắm phần thắng.
Nhất là khi ở cương vị quản lý, đứng trước quá nhiều sự lựa chọn và quá nhiều mức độ khả thi, nếu không kiên định lập trường để lựa chọn phương án kết hợp theo đúng định hướng thì toàn bộ kế hoạch có thể sẽ chệch hướng chỉ đạo. May thay, người có lòng tự tôn luôn có khả năng giữ vững lập trường trước những tác động thay đổi từ môi trường xung quanh, lèo lái đúng hướng con tàu doanh nghiệp.
Với nền tảng kiến thức và kinh nghiệm sẵn có, khả năng kiến tạo cái mới của người tự tôn luôn tạo ra bước đột phá cao trong các chiến lược phát triển. Mặt khác, năng lực chuyên môn của họ hoàn toàn có thể trở thành tiêu chuẩn xử lý công việc cho nhiều thế hệ nhân sự tiếp theo.
Lòng tự tôn khiến con người cảm thấy bản thân mình có nhiều điểm vượt trội hơn người, dễ dẫn đến thái độ kiêu ngạo, tự cao, gây ảnh hưởng xấu đến môi trường làm việc tập thể.
Để không đánh mất sự ngưỡng mộ mà bản thân đã có được, người tự tôn sẽ không ngừng tạo nên thử thách để bản thân chinh phục, nhằm duy trì mãi mãi giá trị lòng tự tôn cao. Vô tình bản thân tự tạo áp lực cho bản thân, cái mới chưa chắc chinh phục được, mà cái cũ có thể cũng không còn linh hoạt đáp ứng tốt thời cuộc.
Người có lòng tự tôn quá lớn dễ bị ảo tưởng sức mạnh, cho rằng mình tuyệt vời hơn những đồng nghiệp xung quanh. Lời nói, thái độ sẽ bắt đầu có sự quá khích, thiếu tôn trọng đồng nghiệp, làm giảm sút mối quan hệ nơi công sở. Có câu nói “Khiêm tốn cũng là cách tự cao nhưng không khiến người khác khó chịu” – rất nên áp dụng.
Đừng nghĩ rằng chỉ có ở chức vụ cao thì lòng tự tôn mới được công nhận. Mỗi vị trí là một mắt xích công việc, chỉ cần bản thân bạn mang lại giá trị cao ở mức độ chức danh, nhiệm vụ của mình thì bạn vẫn hoàn toàn xứng đáng nêu cao lòng tự tôn của bản thân. Vì vậy, đừng tạo áp lực quá lớn cho bản thân về địa vị cao hay thấp để rồi gieo sự thất vọng, chán nản vào tinh thần, làm mất đi động lực phấn đấu phát triển giá trị bản thân mà lòng tự tôn của bạn đang hướng đến.
Bạn chỉ có thể tự hào về điều mang lại giá trị được nhiều người tán thưởng. Do đó, để xây dựng lòng tự tôn đúng chuẩn mực, chúng ta cần hiểu rõ giá trị những gì mình mang đến cho doanh nghiệp, cho đội nhóm. Liệu những điều đó có đóng góp giá trị tích cực không, có giúp tổ chức phát triển không? Nếu có thì đó đích thực là giá trị đáng để bạn tự tôn.
Chúng ta không thể dừng lại ở một vạch tự tôn để mãi ngủ quên trên những thành tích cũ được. Vì giá trị tự tôn cũng có thời hạn, nếu bạn không phấn đấu cải thiện thì giá trị mà bạn mang lại cho công việc sẽ dần trở nên lạc hậu, lỗi thời. Chỉ có nâng cấp bản thân không ngừng thì bạn mới có đủ lượng và chất để nâng cao lòng tự tôn cho chính mình. Hãy luôn nhớ rằng, giá trị mà bạn tự tôn ngày hôm nay chỉ là bước đệm để bạn sở hữu giá trị tự tôn to lớn hơn cho ngày mai.
Nhiều bạn sẽ nghĩ để giữ được giá trị tự tôn thì phải giấu nghề, phải dìm thành tích của đồng nghiệp để nâng mình lên. Tục ngữ có câu “Kẻ mạnh là kẻ giúp đỡ người khác trên đôi vai của chính mình”. Thử hỏi cho dù bạn giỏi thế nào đi nữa nhưng nếu không có sự công nhận từ mọi người xung quanh thì cái giỏi đó có mang lại giá trị bản thân, có giúp nâng cao lòng tự tôn? Câu trả lời là “Không”. Cho nên, giúp đỡ đồng nghiệp ngoài việc lan tỏa giá trị cao mà mình đang có, bạn còn giúp bản thân có thêm nhiều sự yêu thương từ đồng nghiệp.
Lòng tự tôn là biểu hiện của việc bản thân tôn trọng và đánh giá cao những giá trị mà mình đang sở hữu, đó có thể là nguồn gốc gia đình, năng lực chuyên môn, trình độ học vấn… Với quân sư TalentBold, sở hữu lòng tự tôn tích cực trong công việc là một điều tốt vì thông qua đó, con người biết được điểm vượt trội của mình so với nhiều người xung quanh, từ đó củng cố sự tự tin và sự quyết đoán trong công việc.
------------------------------------
Chi tiết liên hệ:
Talentbold - We bold your talents
Hotline: 077 259 1080
Mail: sales@talentbold.com
Add: Tầng 12A.3, Tòa MD Complex, 68 Nguyễn Cơ Thạch, Nam Từ Liêm, Hà Nội, Việt Nam
Nguồn ảnh: internet