- 420k
- 1k
- 870
Sự tận tâm là điều doanh nghiệp luôn mong chờ tìm thấy nơi đội ngũ nhân viên của mình. Bởi lẽ, thị trường ngày một cạnh tranh, yêu cầu khách hàng ngày một cao hơn, đòi hỏi từng vị trí công việc phải được nâng cao chất lượng. Và với những nhân viên tận tâm, họ không chỉ hoàn thành công việc, mà còn nỗ lực sáng tạo hết mình cho công việc. Làm sao nhận diện một nhân viên tận tâm? Điều này không phải dễ nhưng quân sư TalentBold đã có một số bí quyết gợi ý cho quý doanh nghiệp.
Nhân lực là tài sản quý của doanh nghiệp, nhân lực tận tâm càng quý giá hơn gấp bội, vì vai trò mà nhân viên tận tâm mang đến cho doanh nghiệp không hề nhỏ:
Nhân viên tận tâm luôn cố gắng hoàn thành chuẩn nhất nhiệm vụ mà mình được giao phó. Nhiều người tận tâm sẽ kéo theo cả một guồng máy vận hành suông sẻ.
Doanh nghiệp không mất nhiều thời gian đào tạo vì tự nhân viên tận tâm sẽ chủ động khai thác, tìm hiểu thêm để hoàn thiện năng lực chuyên môn phục vụ công việc.
Theo thời gian, tính chất công việc sẽ đòi hỏi những cấp độ chất lượng cao hơn. Người quản lý sẽ không sáng tạo, cải tiến tốt bằng nhân viên trực tiếp thực hiện công việc. Và nhân viên tận tâm rất nhiệt tình trong khía cạnh này.
Thời gian hoàn thành công việc nhanh hơn, chất lượng tốt hơn, khách hàng hài lòng hơn, từ đó đơn hàng, dự án tăng lên, nhiều mục tiêu của tổ chức được hoàn thành trước kế hoạch.
>>>> Xem thêm: Năng lực là gì? Cách đánh giá một nhân viên có năng lực
Để biết một nhân viên có tận tâm trong công việc hay không, cách tốt nhất là đánh giá qua biểu hiện trong công việc, cụ thể đây là những kinh nghiệm đánh giá nhân viên tận tâm mà quân sư TalentBold muốn gửi đến:
Một nhân viên tận tâm với doanh nghiệp luôn mong muốn cống hiến nhiều hơn, đạt được nhiều thành tích hơn. Vì vậy, những định hướng phát triển của công ty rất được họ quan tâm, vì họ muốn lấy đó làm định hướng phát triển nghiệp vụ chuyên môn của chính mình, tạo nên sự đồng điệu, nhất quán cùng tổ chức.
Ví dụ, biết định hướng sắp đến công ty sẽ xuất khẩu thêm mặt hàng giày thể thao, một nhân viên xuất nhập khẩu tận tâm sẽ chủ động sắp xếp thời gian tìm hiểu thông tin liên quan đến thủ tục xuất khẩu mặt hàng này.
Giao việc nào hoàn thành việc đó là một nhân viên làm việc có hiệu quả, nhưng chưa hẳn là nhân viên tận tâm. Người tận tâm sẽ tìm cách để làm việc nhanh hơn, tốt hơn, hoàn hảo hơn, họ chủ động sáng tạo, chứ không đợi người khác phải thúc ép sáng tạo.
Chẳng hạn, khi việc tìm kiếm hồ sơ trong kho quá lâu, nhân viên tận tâm sẽ chủ động tìm cách lưu trữ mã hồ sơ trên file excel, cùng vị trí cất giữ, khi cần là có thể vào kho tìm đúng vị trí đó. Không cần lập trình phức tạp gì cả, nhưng hiệu quả công việc vẫn tốt lên.
Kiến thức là vô hạn, sự hỗ trợ hướng dẫn công việc từ phía doanh nghiệp cũng chỉ có giới hạn. Những tình huống phát sinh trong công việc có thể sẽ nhiều hơn, sẽ lạ hơn, quản lý không thể theo sát từng công việc chi tiết để đưa ra giải pháp được, nhân viên phải chủ động tra cứu kinh nghiệm mình có được, và chủ động hỏi thêm nếu cần thiết, đó chính là tinh thần sẵn sàng học hỏi nơi nhân viên tận tâm.
Nhân viên tận tâm luôn mong muốn những nhiệm vụ công việc của cá nhân, của bộ phận ngày một hoàn hảo hơn. Họ luôn tích cực ghi nhớ những vấn đề phát sinh trong công việc của cả họ và của đồng nghiệp, suy nghĩ giải pháp và đề xuất trong những cuộc họp phòng ban. Có thể giải pháp chưa phù hợp điều kiện thực tế của doanh nghiệp, nhưng nơi họ, ta thấy được sự tận tâm cống hiến vì sự phát triển doanh nghiệp, chứ không chỉ xem công sở là nơi hoàn thành việc rồi về.
Doanh nghiệp sẽ có những lúc khó khăn, thăng trầm, nhân viên rời bỏ tổ chức đi tìm một chân trời mới, nhưng nhân viên tận tâm thì không. Họ đã định hướng phát triển sự nghiệp của mình cùng định hướng của doanh nghiệp thì sẽ không dễ dàng từ bỏ tổ chức. Cùng suy nghĩ giải pháp, cùng nỗ lực hy sinh quyền lợi cá nhân, cùng doanh nghiệp từng bước vượt qua khó khăn chính là biểu hiện cao nhất của một nhân viên tận tâm.
Mối quan hệ giữa người sử dụng lao động và người lao động ngay nay dựa trên tinh thần Win – Win (đôi bên cùng có lợi). Doanh nghiệp muốn nhân viên hết lòng vì mình, sẵn sàng tận tâm cùng vượt qua lúc khó khăn, thì khi bình yên, doanh nghiệp đừng bỏ quên họ
Đừng xem nỗ lực của nhân viên là lẽ đương nhiên, nhất là những nỗ lực mang lại thành tích vượt trội so với những đồng nghiệp khác. Những chính sách khen thưởng có thời hạn hoặc đột xuất cần được nghiên cứu và áp dụng công khai, minh bạch để mọi người lấy đó làm động lực, lan tỏa sự tận tâm phấn đấu. Không nhất thiết phải là phần thưởng to lớn, đôi khi chỉ là lời khen ngay lập tức của Sếp cũng đủ giúp nhân viên cảm thấy những vất vả mình bỏ ra thật xứng đáng.
Người quản lý có thể chuyển vai trò của mình từ chỉ thị, cầm tay chỉ việc sang giám sát công việc thử nhé. Cùng một nhiệm vụ nhưng sẽ có nhiều cách để đi đến thành công, hãy cho phép nhân viên chủ động sáng tạo, rất có thể sẽ mang đến một lựa chọn hoàn thành công việc tuyệt vời, có thể phổ biến áp dụng trong toàn tổ chức. Đừng ép họ vào khuôn khổ, vì khuôn khổ do những thế hệ cũ hình thành, đôi khi đã lỗi thời.
>>>> Có thể bạn quan tâm: Sếp mới và cách thu phục nhân viên dưới quyền khó bảo
Ai cũng có lúc sai lầm, quản lý cũng từng và sẽ có thể mắc sai lầm, nên nhân viên dưới quyền cũng vậy. Mọi lời bắt bẻ, chỉ trích sẽ khiến tinh thần nỗ lực vì doanh nghiệp của nhân viên bỗng vụt tắt. Họ cảm thấy cố gắng nhiều lần, sai sót một lần là bị coi chẳng ra gì. Vậy thì ai còn vui vẻ mà cống hiến nữa. Hãy thay sự bắt bẻ, chỉ trích bằng việc động viên, đồng hành cùng nhân viên khắc phục sai sót của họ.
Doanh nghiệp ngày nay luôn cần sự cải tiến, đổi mới để nâng cao sức cạnh tranh. Khích lệ nhân viên đóng góp ý tưởng, để nhân viên vắt óc suy tư, tận tâm nghiên cứu. Vậy mà khi họ nói ra thì chỉ được xem như phong trào, không ghi nhận, cũng không phản hồi. Chắc chắn rồi những cuộc họp về sau sẽ chỉ là những cái gật đầu nghe theo ý kiến của lãnh đạo đưa ra mà thôi. Quy trình làm việc cũng vẫn theo lối mòn xưa cũ.
3.5. Tổ chức hoạt động giao lưu tập thể
Sinh nhật hằng tháng, liên hoan ngày Lễ, dã ngoại cuối tuần… không mất nhiều thời gian cũng như chi phí của doanh nghiệp đâu, nhưng lại giúp nhân viên thư giãn tinh thần sau những ngày vùi đầu cùng áp lực công việc. Quan tâm chăm sóc đời sống tinh thần của nhân viên chính là tiếp thêm năng lượng cho tinh thần tận tâm của chính họ.
Doanh nghiệp trúng gói thầu lớn, doanh thu quý tăng mạnh, khách hàng tặng quà cho phòng ban… Cho dù ban lãnh đạo chỉ nghĩ đến quản lý cao nhất phòng ban, nhưng quản lý hãy luôn nghĩ đến những nhân viên đã kề vai sát cánh cùng mình để có được thành tích đó. Chia sẻ quyền lợi hiện vật hoặc hiện kim sẽ giúp nâng cao tinh thần đoàn kết trong toàn đội.
Nhận diện một nhân viên tận tâm thế nào, quân sư TalentBold đã chia sẻ, nhưng quan trọng hơn hết là cần duy trì được sự tận tâm đó, cần có thêm được nhiều sự tận tâm hơn nữa thì doanh nghiệp mới có được một đội ngũ nhân sự vững mạnh. Nhân viên không ngại cống hiến, tiềm năng của mỗi nhân sự cũng rất to lớn, nhưng liệu họ có sẵn lòng, có an tâm để tận tâm hết lòng vì doanh nghiệp hay không, điều đó tùy thuộc rất lớn vào chính sách quản lý nhân sự của doanh nghiệp.