- 420k
- 1k
- 870
“Muốn hiểu phải hỏi, muốn giỏi phải học” nhưng sinh viên ngày nay rất ít khi nào chịu đặt câu hỏi hay chủ động tìm hiểu vấn đề đang học. Mọi thông tin kiến thức đều dựa trên những gì giảng viên chắt lọc giảng dạy trên giảng đường. Tật xấu thiếu chủ động của sinh viên rất dễ làm giảm năng lực thích ứng thực tế công việc trong tương lai, và còn nhiều nguy hại khác đã được quân sư TalentBold tổng hợp trong bài viết này.
MỤC LỤC:
1- Thiếu chủ động là gì?
2- Nguyên nhân dẫn đến sự thiếu chủ động
3- Biểu hiện sự thiếu chủ động của sinh viên
4- Tác hại của tật xấu thiếu chủ động của sinh viên (gen Z)
5- Giải pháp cho sự thiếu chủ động
>>> Xem thêm: Việc làm Marketing
Tính chủ động là việc một cá nhân luôn ý thức cao những nhiệm vụ mà mình cần làm và cần học hỏi. Họ không đợi đến khi được yêu cầu, được cầm tay chỉ việc, hay bị nhắc nhở rồi mới tìm cách giải quyết công việc.
Ngược lại, người thiếu chủ động luôn phải dựa vào kế hoạch và nội dung các bước thực hiện mà người khác mang đến, khiến họ luôn ở vị thế thấp hơn. Không hẳn là do họ không có kiến thức, không định hướng được công việc mà phần lớn là do người thiếu chủ động hay do dự, không nỗ lực tự suy nghĩ để tự mình làm chủ tình thế. Có vấn đề xảy ra, việc đầu tiên họ nghĩ đến là tìm ai đó có kinh nghiệm để hướng dẫn từng bước xử lý.
Phong cách nuôi dạy con trẻ của người Việt hướng đến sự chăm sóc và đưa trẻ tránh xa các mối nguy hiểm có thể xảy ra. Trong khi cha mẹ phương Tây lại hướng trẻ tự trải nghiệm và người lớn sẽ để mắt bảo vệ trẻ khỏi những nguy hiểm, và hướng dẫn trẻ hiểu được tầm nguy hiểm.
Vì vậy, giới trẻ Việt đã quen làm theo những gì cha mẹ, người lớn cho phép. Nếu làm khác sẽ bị la, bị đánh dù hành động của trẻ không phải là sai, chỉ là không theo cách được cho phép mà thôi. Trẻ em không được nhẹ nhàng phân tích thiệt hơn để rút kinh nghiệm, lâu dần, thói quen ỷ lại và nghe lời vì sợ đã hình thành.
Thời khóa biểu các môn học đã có nhà trường sắp xếp, không có sự lựa chọn khác
Ăn uống đã có cha mẹ nấu cho, thực đơn do cha mẹ chọn
Kiến thức thầy cô giảng sao phải hiểu như vậy, không được suy nghĩ khác biệt
Những điều này khiến tính cách của giới trẻ trở nên ù lì, không vận động não bộ tư duy, họ luôn ở vị thế tiếp nhận chứ không được chủ động khám phá hoặc phản bác.
Đời sống kinh tế phát triển, cha mẹ ngày nay có nhiều điều kiện chăm sóc con cái tốt hơn, nhưng cũng vì vậy mà nhiều cha mẹ rất nuông chiều con. Mọi việc đã có người lớn lo nên rất nhiều bạn trẻ lười vận động cả về thể chất và tinh thần.
Thêm vào đó là sự hỗ trợ mạnh mẽ từ công nghệ thông tin, họ lười tìm hiểu và ghi nhớ cả những vấn đề đơn giản vì chỉ cần có smartphone, có mạng Internet là tra ra hết, họ cảm thấy lưu trữ ở não bộ sẽ làm mệt não.
>>> Bạn có thể xem thêm: Thói quen lười vận động của sinh viên
Đối với sinh viên Gen Z, những biểu hiện thiếu sự chủ động thể hiện rõ nét trong:
Không đọc giáo trình trước khi lên lớp, hoàn toàn dựa vào nội dung giảng viên súc tích và cung cấp trên giảng đường.
Lắng nghe thụ động trên giảng đường, giảng viên nói sao thì ghi chép, tiếp nhận như vậy
Không chủ động giơ tay phát biểu dù giảng viên đã đặt câu hỏi để định hướng khai thác thông tin
Làm thẻ thư viện như một thủ tục chứ chẳng chủ động lên thư viện tra cứu tài liệu, trừ khi giảng viên yêu cầu hoặc hướng dẫn lên thư viện tìm nội dung, kèm theo nhắc nhở sẽ kiểm tra ở tiết học sau.
Ăn uống qua loa, hầu hết sẽ vào căn tin trường hoặc gọi ngoài, có gì ăn đó chứ không chủ động suy nghĩ trước xem món ăn nào hợp khẩu vị, tốt cho sức khỏe, hoặc tự mua đồ về nấu.
Rảnh rỗi là nằm lướt Internet, mạng xã hội chứ không chủ động đọc giáo trình cho môn học ngày mai, hay lật lại bài vừa học để ghi chú những điểm còn thắc mắc để hỏi giảng viên ở tiết sau.
Quần áo có cái nào sạch thì mặc cái đồ, phối đồ ngẫu hứng, thay vì nên sắp xếp từ tối hôm trước.
Tuân thủ lịch trình do người khác đặt ra một cách máy móc, không đóng góp ý kiến để thay đổi phù hợp cho bản thân.
Lúng túng khi có việc phát sinh đột xuất vì không quen tự điều chỉnh kế hoạch, trước giờ toàn có người sắp xếp lịch trình sẵn cho.
Không biết cách xen kẽ những công việc thường nhật vào những khoảng thời gian ngoài lịch trình cố định. Ví dụ, trong thời gian chờ đến giờ đi học ngoại ngữ, sinh viên có thể đi mua sách, rửa chén, lau phòng… nhưng thường họ sẽ thay đồ rồi nằm dài lướt Internet đợi đến giờ nên lượng việc giải quyết rất ít.
>>> Bạn có thể tham khảo: Thói quen lười giao tiếp xã hội của sinh viên
Thiếu chủ động không chỉ gây tác hại ở giai đoạn sinh viên mà còn ảnh hưởng đến con đường sự nghiệp sau này:
Không chủ động lên kế hoạch theo điều kiện riêng của bản thân, bạn sẽ để trống rất nhiều thời gian lãng phí, trong khi có hàng tá việc có thể thực hiện đan xen vào lúc này. Ví dụ, trong lúc chờ nồi cơm chín, bạn có thể tranh thủ giặt đồ.
Tính cách thờ ơ, vô tư lự với mọi thứ xung quanh sẽ khiến bạn chỉ chờ đợi những gì mà mọi người cho là đúng. Bạn tin tưởng và lấy đó làm kiến thức cho mình, mà không chủ động tự khám phá, phân tích. Thực tế, hành trình phân tích sẽ cho bạn lượng thông tin giá trị không kém gì thông tin tổng thể. Hơn nữa, chủ động phân tích não bộ sẽ nhạy bén hơn, ghi nhớ cũng lâu hơn.
Đừng nghĩ rằng chỉ ai đi làm mới cần cơ hội tốt, ngay từ khi sinh viên bạn đã có thể nắm bắt cơ hội cho tương lai của mình rồi. Nhưng đôi khi chỉ vì sự thiếu chủ động, do dự mà bạn đã để vụt mất cơ hội vào tay người khác. Chẳng hạn chỉ một cái giơ tay xung phong, bạn đã giành được suất cuối cùng nghiên cứu cùng giáo sư ở dự án chuyên môn, nhưng cơ hội đã qua mất trong tích tắc.
Hành trình của bạn bè, họ sẽ không nói cho bạn biết, chỉ đến khi có thành tích hoặc về đích, họ mới chia sẻ. Lúc này, bạn ngưỡng mộ, bạn muốn mình cũng được như vậy, nhưng không kịp rồi, nguyên nhân cũng vì bạn đã không chủ động suy nghĩ và hành động như họ. Chỉ đợi kế hoạch từ người khác để thực hiện, bạn sẽ khó đi nhanh và đi xa được.
Các mối quan hệ là một nguồn lực hỗ trợ hiệu quả cho cuộc sống mỗi người. Bạn không chủ động tiếp cận, giao lưu để xây dựng cho mình những mối quan hệ tốt, có phải bạn đang chờ mọi người chủ động tiếp cận và kết bạn với bạn? Điều này cũng có thể xảy ra nhưng số lượng rất hạn chế, hơn nữa đối tượng mọi người muốn kết thân cũng phải có tố chất chủ động, năng động thì mới cuốn hút được họ.
Giữ tật xấu thiếu chủ động, càng lớn bạn sẽ càng cảm thấy sợ sệt mọi thứ vì giờ đây không còn ai lên kế hoạch cho, không còn ai chỉ cho bạn né tránh nguy hiểm, cũng không còn ai giúp bạn gánh trách nhiệm nữa. Tất cả bạn phải tự làm, tự chịu trách nhiệm với chính mình và với xã hội.
>>> Bạn có thể quan tâm: Thói quen lười đọc sách của sinh viên
Nguy hại của tật xấu thiếu chủ động của sinh viên đã được quân sư tổng hợp rất cụ thể. Thấy rõ tác hại, các bạn sinh viên Gen Z cần nhanh chóng khắc phục tật xấu này ngay và luôn. Bằng cách nào ư? Quân sư có vài gợi ý hữu ích cho bạn
Né tránh những việc có thể gây ra hậu quả nhỏ bây giờ chính là bạn đang đẩy chính mình vào những hậu quả lớn ở những việc trong tương lai. Tại sao, chúng ta không xem việc nhỏ ở hiện tại là cơ hội rèn luyện để đối mặt, quen dần với thách thức, tránh được những hậu quả lớn trong tương lai.
Hãy tự tin tham gia các hoạt động ngoại khóa, xung phong làm trưởng nhóm học tập, mạnh dạn hỏi thầy cô những nội dung học ở tiết sau… Lúc đầu, bạn có thể thấy khá bận rộn để sắp xếp lịch trình, nhưng khi vào thực tế, bạn sẽ thấy có nhiều chi tiết mình có thể linh hoạt điều phối. Tính năng chủ động của não bộ được phát huy hiệu quả.
Không ai là hoàn hảo cả, vì vậy, nếu bạn chưa có kinh nghiệm, đừng ngại ngần, sai cũng được, đúng cũng được, hãy chủ động ghi ra những nhận xét, đánh giá, và thắc mắc của bản thân. Sau đó, tìm đến các chuyên gia như giảng viên, anh chị khóa trên, bạn bè giỏi môn đó trong lớp, diễn đàn học tập trên mạng… để có được những điều chỉnh và kiến thức chuẩn xác nhất.
Như vậy, bạn đã tiến thêm một bước, khi dũng cảm chấp nhận mình có thể sai để hoàn thiện bản thân mỗi ngày. Nhưng ở đây, không phải chấp nhận mù quáng mà chấp nhận có sự chủ động để thay cái sai bằng cái đúng, không để cái sai tác động gây hại.
Muốn làm được thật nhiều việc trong vòng 24 giờ thì bạn phải chủ động lập kế hoạch. Trong đó có đầy đủ các việc cần làm, lịch trình cụ thể, và khoảng thời gian cho phép để giải quyết từng việc. Nhìn vào kế hoạch mỗi ngày, bạn sẽ thấy thời gian mình sử dụng không còn lãng phí nữa, chất lượng, số lượng việc hoàn thành tăng cao.
Sự chủ động luôn đòi hỏi khả năng linh hoạt. Muốn linh hoạt ứng phó thì kinh nghiệm, kiến thức đa lĩnh vực phải nhiều. Bạn không nhất thiết phải học ở trường học, có thể học từ sinh hoạt hằng ngày, từ những bài học của người khác, từ những câu chuyện cảnh giác / mẹo vặt trên mạng… Chỉ cần bạn ý thức tiếp thu kiến thức mọi lúc mọi nơi thì năng lực ứng phó sẽ càng lúc càng nhạy bén.
Tật xấu thiếu chủ động của sinh viên Gen Z là một thực trạng cần khắc phục. Nhiệm vụ này không chỉ đặt lên vai các bạn sinh viên, mà còn cần cả sự phối hợp từ cha mẹ và thầy cô. Hãy mang đến nhiệm vụ và hãy tin tưởng trao cơ hội thực hiện nhiệm vụ cho các bạn ấy chủ động suy nghĩ. Quân sư TalentBold tin tưởng với sự định hướng và đồng hành của những tiền bối, sinh viên Gen Z – tương lai của đất nước – sẽ ngày càng hoàn hảo hơn về tính cách và kỹ năng sống.
-----------------------------------
Chi tiết liên hệ:
Talentbold - We bold your talents
Hotline: 077 259 1080
Mail: sales@talentbold.com
Add: Tầng 12A3, Tòa nhà MD Complex, 28 Nguyễn Cơ Thạch, Nam Từ Liêm, Hà Nội
Nguồn ảnh: internet