- 420k
- 1k
- 870
Sinh viên Gen Z có nhiều điều kiện phát triển thuận lợi hơn các thế hệ 7X, 8X, nhưng đa phần chỉ tập trung vào công nghệ trực tuyến, còn kỹ năng mềm hữu ích cho công việc và cuộc sống thì Gen Z lại ít có sự trau dồi. Điển hình là tật xấu trì hoãn của sinh viên mà quân sư TalentBold đề cập trong bài viết này.
MỤC LỤC:
1- Trì hoãn là gì?
2- Nguyên nhẫn dẫn đến trì hoãn ở sinh viên
3- Biểu hiện sự trì hoãn của sinh viên
4- Tác hại của tật xấu trì hoãn của sinh viên (gen Z)
5- Giải pháp cho sự trì hoãn cho sinh viên
>>> Xem thêm: Việc làm Supply Chain
Trì hoãn là cụm từ chỉ một người đang hành động một cách chậm chạp hoặc chưa muốn làm một việc gì đó mà bản thân họ cần phải làm. Mặc dù người đó biết đã gần đến thời hạn thực hiện và nếu không hoàn thành sẽ phải chịu những hậu quả không hay.
Nhưng, thay vì tập trung giải quyết cho xong công việc thì người đó lại chọn cách né tránh, ngưng trệ, lề mề thực hiện hoặc bắt đầu triển khai ở thời điểm sát thời hạn cuối cùng, để rồi kết quả là phải chạy đua làm cho xong, chất lượng công việc không tốt, thậm chí là không hoàn thành kịp tiến độ.
Hồi học phổ thông, chúng ta được Thầy Cô kèm cặp rất kỹ, kiểm tra bài mỗi ngày, vắng mặt là báo phụ huynh ngay. Nhưng khi là sinh viên rồi, sự kèm cặp không còn nữa, việc học là trách nhiệm và sinh viên phải tự ý thức chịu trách nhiệm. Lúc này, rất nhiều sinh viên cảm thấy như “được sổ lồng” với sự tự do bay nhảy, khiến họ không còn tập trung và chuyên tâm cho việc học như trước nữa. Học xong về để đó, bài tập cũng từ từ làm, dành thời gian cho những hoạt động bên ngoài nhiều hơn.
Học tập đòi hỏi phải tập trung, so với vui chơi, lướt web… thì mệt mỏi hơn nhiều. Bên cạnh lại không có giáo viên theo sát như hồi phổ thông, lười biếng một chút cũng không ai la rầy. Và cứ thế ngày nay sang ngày khác, mong muốn thoải mái, thư thái dần lấn át quyết tâm học tập.
Nhiệm vụ của sinh viên hầu hết là những bài tập có sự đầu tư, nghiên cứu nên thời gian hoàn thành thường được giảng viên cho phép kéo dài từ vài tuần đến vài tháng. Thời gian dài nhằm giúp sinh viên đỡ vất vả nhưng đối với sinh viên, họ lại nghĩ như vậy thì không cần phải vội, hồi phổ thông ngày nào cũng học mấy môn để trả bài còn làm được thì giờ nhiều thời gian thế, cứ thong thả.
Quá nhiều việc cần thực hiện, nào là nhiệm vụ học tập, nào là công tác đoàn thể, nào là làm thêm trang trải học phí… khiến các bạn sinh viên đôi khi chới với, không biết sắp xếp như thế nào là tốt nhất, bởi lẽ, trước đây, hầu hết lịch trình đều đã được Thầy Cô phổ thông sắp xếp và hướng dẫn thực hiện.
Kết bạn, chơi thân với những người có thói quen trì hoãn, rất dễ khiến sinh viên bị lôi kéo theo những lịch trình bên ngoài học đường của họ. Lâu dần, tật xấu trì hoãn xuất hiện ở bản thân lúc nào không biết.
>>> Bạn có thể xem thêm: Thói quen lười đọc sách của sinh viên
Sinh viên là giai đoạn chuyển tiếp, chuẩn bị hành trang bước vào đời, vì vậy, ngoài việc học, sinh viên còn nhiều hoạt động khác, và tật xấu trì hoãn của sinh viên có thể biểu hiện ở mọi hoạt động:
Tin tưởng còn nhiều thời gian hoàn thành bài tập nên không sắp xếp làm từ từ mà thường đợi đến tuần cuối hoặc trước ngày đến hạn nộp mới hoàn thành.
Không ôn tập kiến thức trước khi lên lớp mà cứ ghi chép tiếp rồi về để đó, làm cho lượng kiến thức không có sự liên kết, hiểu bài không sâu.
Kiến thức, bài vở học xong môn là để đó, đến lúc có lịch thi vẫn chưa đụng vào, đến trước ngày thi 01 tuần mới bắt đầu ôn tập vội vàng.
Kéo dài thời gian triển khai một công việc mà bản thân biết sẽ hữu ích cho sự nghiệp sau này, ví dụ học thêm ngoại ngữ, tham gia lớp chứng chỉ nghiệp vụ…
Thích ngủ nướng hơn là dậy sớm tập thể dục, dù biết sức khỏe rất quan trọng, hoặc dù đã đóng tiền cho phòng tập đến hết tháng.
Tật xấu trì hoãn được lặp đi lặp lại ở nhiều sự việc liên tiếp, kéo dài theo thời gian sẽ ảnh hưởng lớn đến tố chất của sinh viên, gây ra nhiều tác hại cho tương lai:
Không phân bổ thời gian hiệu quả mà chỉ dồn lại làm khi gần hết thời hạn sẽ dẫn đến việc thiếu thời gian nghiên cứu, thiếu thời gian trình bày bài tập, thiếu thời gian kiểm tra tính chính xác. Kết quả nhiệm vụ của sinh viên lúc nào cũng nửa chừng nửa vời.
Quá trình hoàn thành nhiệm vụ của sinh viên chính là quá trình áp dụng lý thuyết vào thực tế, một trong những nền tảng quan trọng giúp cho việc tiếp cận công việc tương lai tốt hơn. Sinh viên Gen Z có tật xấu trì hoãn đã bỏ mất cơ hội nâng cao kiến thức chuyên sâu cho mình, một thiệt thòi cho cả quá trình học tập trước mắt và cả trong công việc sau này.
>>> Tham khảo: Thói quen lười giao tiếp xã hội của sinh viên
Một sinh viên lúc nào cũng trì hoãn, kết quả nhiệm vụ không cao, thời hạn nộp bài trễ nải thì làm sao tạo được sự tin tưởng nơi giảng viên và các bạn học. Những đội nhóm học tập sẽ ít ai hoan hỉ chào đón những bạn sinh viên đó, những cơ hội thực tập / nghiên cứu giá trị sẽ không giảng viên nào an tâm ủy thác cho sinh viên trì hoãn cả.
Do phải vội vàng, gấp gáp hoàn thành những việc mà bản thân đã trì hoãn nên sinh viên Gen Z sẽ có tâm lý lo lắng, sợ không làm kịp, sợ điểm thấp, tâm lý luôn căng thẳng, mệt mỏi. Bởi lẽ, thường ngày, khi trì hoãn nhiệm vụ, sinh viên cũng không phải dành thời gian để tích lũy kiến thức hay rèn luyện thể chất, mà thường dành thời gian cho những hoạt động tốn nhiều năng lượng nhưng lại khó tái tạo năng lượng (ví dụ thức khuya chơi game, làm thêm đến mệt lả…)
Tình trạng căng thẳng kéo dài có thể gây ra những vấn đề sức khỏe nguy hiểm như trầm cảm, lo âu, đau đầu, mất ngủ ban đêm, buồn ngủ ban ngày, có thể mắc cả bệnh lý về tim mạch. Chạy đua với thời gian, làm thâu đêm suốt sáng, quên ăn quên ngủ sẽ là diễn biến thường thấy ở những sinh viên trì hoãn khi đến hạn nộp bài tập.
Sự trì hoãn kéo dài là điều rất nguy hiểm, may thay đây chỉ là thói quen và hoàn toàn có thể khắc phục được. Dưới đây là một số giải pháp hiệu quả cao mà quân sư muốn gửi đến các bạn sinh viên Gen Z:
Chúng ta ai cũng có nhiều mục tiêu để hoàn thành, nhưng với điều kiện nguồn lực có hạn, cùng một lúc không thể đặt nặng tất cả mục tiêu mà chỉ có thể hoàn thành 1 – 2 mục tiêu quan trọng nhất. Do đó, để loại bỏ tật xấu trì hoãn, trước hết, các bạn sinh viên cần đặt ra cho bản thân mục tiêu cụ thể mà mình cần quan tâm thực hiện hàng đầu.
Bạn nên viết ra giấy mục tiêu ưu tiên cần hoàn thành, cùng những mốc thời gian thực hiện phù hợp nhất. Tốt nhất không nên dồn hết vào cùng một ngày hoặc một buổi, bởi lẽ như vậy sẽ khiến bản thân dễ mệt, dễ chán và dễ từ bỏ kế hoạch. Bạn nên chia thời lượng hoàn thành ra làm nhiều khoảng thời gian trong ngày, mỗi khoảng thời gian kéo dài 1 - 2 tiếng, đảm bảo khả năng tập trung hoàn thành nhanh và hiệu quả nhất.
Số lượng thời gian còn lại sẽ dùng cho những việc sinh hoạt thường nhật, làm những việc ít quan trọng hơn hoặc nghỉ ngơi dưỡng sức. Quan trọng nhất là một khi đã đặt kế hoạch chi tiết cho mục tiêu và lịch trình, bạn phải ý thức hoàn thành đúng những gì đã đề ra, khi nào xong thì mới cho phép bản thân thực hiện việc khác.
>>> Quan tâm: Thói quen lười vận động của sinh viên
Lập kế hoạch công việc mỗi ngày là một kỹ năng mềm quan trọng, do vậy, hãy tận dụng thời gian khắc phục tật xấu trì hoãn để rèn luyện luôn kỹ năng này thì quá tuyệt vời. Trong bản kế hoạch mỗi ngày, sinh viên Gen Z nên chia theo thứ tự ưu tiên
Việc quan trọng bắt buộc phải hoàn thành gấp và trong ngày
Việc quan trọng cần hoàn thành trong ngày
Việc không quan trọng có thể hoàn thành vào cuối ngày
Việc không quan trọng có thể điều chỉnh sang ngày khác.
Với thứ tự ưu tiên hiện hữu ngay trên giấy ghi kế hoạch công việc, bạn sẽ biết được bản thân cần hành động thế nào là phù hợp và hiệu quả nhất.
Để kiểm soát thời gian hoàn thành từng phần việc theo thứ tự ưu tiên trong bản kế hoạch, sinh viên Gen Z có thể nhờ đến sự hỗ trợ từ các kỹ thuật quản lý thời gian, gồm:
Thiết lập thời gian dư dả trong giai đoạn đầu để bản thân có cảm giác phấn khích khi đạt được thành quả, tạo động lực tiếp tục rèn luyện. Như vậy, thời gian đầu, bạn không nên tạo quá nhiều đầu việc trong bản kế hoạch.
Tạo khoảng thời gian trống dự phòng trong kế hoạch để có thể bổ sung thêm việc gấp phát sinh bất ngờ mà không lo ảnh hưởng kế hoạch của những việc đã lập trước đó.
Ghi nhận thời gian hoàn thành để biết mình có thể tăng tốc ở những kế hoạch lần sau hay không. Cách làm này sẽ giúp bạn nâng cao năng lực từng ngày.
Giải trí thì rất thoải mái nhưng nếu nhiệm vụ chưa hoàn thành thì dù là xem phim hài, bạn cũng không thể có sự vui vẻ trọn vẹn. Do đó, hãy học cách tạm gác những yếu tố gây xao nhãng, tốn nhiều thời gian như lướt Facebook, trả lời tin nhắn hẹn café, xem Tiktok… Tập trung giải quyết công việc quan trọng trước, sau khi hoàn thành, bạn sẽ biết được khi thư giãn mà không phải lo nghĩ trễ tiến độ như trước đây sẽ tuyệt vời như thế nào.
Trì hoãn khiến ta bỏ lỡ việc quan trọng do đã lãng phí thời gian, tâm sức vào những việc không quan trọng. Tật xấu trì hoãn của sinh viên Gen Z rất phổ biến, gây ra những hệ lụy rất lớn cho tương lai. Vì vậy, quân sư TalentBold thông qua bài viết trên muốn mang đến cho các bạn sinh viên một cẩm nang hữu ích đã được đúc kết từ cả thành công và sai lầm của người đi trước. Khắc phục tính trì hoãn, bạn sẽ thuận lợi chinh phục nhiều đỉnh cao.
-----------------------------------
Chi tiết liên hệ:
Talentbold - We bold your talents
Hotline: 077 259 1080
Mail: sales@talentbold.com
Add: Tầng 12A3, Tòa nhà MD Complex, 28 Nguyễn Cơ Thạch, Nam Từ Liêm, Hà Nội
Nguồn ảnh: internet