- 420k
- 1k
- 870
Chi phí học tập và sinh hoạt của sinh viên khá lớn, và hầu hết các chi phí này đều được chu cấp từ gia đình, vừa đủ để trang trải chi tiêu mỗi tháng. Nhưng thực tế, thói quen tiêu xài hoang phí của sinh viên ngày càng phổ biến, là một thực trạng xấu mà quân sư TalentBold rất muốn đồng hành cùng các bạn khắc phục.
MỤC LỤC:
1- Thói quen tiêu xài hoang phí là gì?
2- Nguyên nhân dẫn đến tiêu xài hoang phí
3- Biểu hiện thói quen tiêu xài hoang phí của sinh viên
4- Tác hại của tật xấu tiêu xài hoang phí của sinh viên (gen Z)
5- Giải pháp cho sự tiêu xài hoang phí
>>> Xem thêm: Việc làm IT
Thói quen tiêu xài hoang phí là việc một ai đó luôn chi tiêu để sở hữu những món hàng đắt tiền, hoặc nhiều vật dụng không mang lại giá trị sử dụng cao. Họ mua sắm theo sở thích, không cần chờ đến lúc giảm giá hay săn nơi bán cùng mặt hàng với giá rẻ hơn. Với họ, mong muốn thể hiện sự hào nhoáng, hiện đại trong mắt mọi người xung quanh luôn là ưu tiên.
Những người có thói quen tiêu xài hoang phí thậm chí có thể vay nợ người thân, bạn bè, ngân hàng… để thỏa mãn sở thích của mình. Kết quả họ luôn thiếu trước hụt sau, luôn phải để tâm suy tư về mặt tài chính và ứng phó với chủ nợ, khiến tinh thần luôn căng thẳng, mệt mỏi.
Thói quen không phải sinh ra đã có, mà hầu hết đến do những tác động từ môi trường sống xung quanh tạo thành. Thói quen tiêu xài hoang phí ở giới trẻ - điển hình như sinh viên Gen Z – cũng vậy, nguyên nhân chủ yếu do:
Thiếu tiền, hết tiền thì gọi về, cha mẹ lại sắp xếp gửi lên. Không phải chỉ những cha mẹ có năng lực tài chính cao mới nuông chiều con, mà ngay cả những phụ huynh phải làm công việc vất vả cũng ráng tích góp, con mở lời là đưa ngay. Tâm lý ỷ lại khiến sinh viên Gen Z không ý thức được giá trị đồng tiền, và không hiểu được kiếm đồng tiền vất vả ra sao.
Các nhà kinh doanh luôn biết cách tạo ra xu hướng, kích thích nhu cầu chi tiêu của giới trẻ. Họ đánh vào tâm lý thích sự mới mẻ của giới trẻ nên luôn ra sức cải tiến, đổi mới sản phẩm. Cùng là một chiếc áo nhưng sẽ là kiểu dáng, màu sắc khác nhau ở những bộ sưu tập mới, thôi thúc sinh viên tìm cách sở hữu cho bằng bạn, bằng bè, ghi điểm trong mắt nhóm bạn hoặc người yêu.
Buồn buồn ngồi ở phòng trọ hay ký túc xá lướt web là có thể chọn cho mình những mặt hàng yêu thích, sản phẩm còn được giao tận nơi vô cùng tiện lợi. Chính sự mua bán dễ dàng thông qua thương mại điện tử trực tuyến đã góp phần tạo cơ hội “vung tay quá trán” cho sinh viên Gen Z. Những sản phẩm không quá quan trọng như kẹp tóc, khay đựng bút, khung ảnh, bút viết … có thể chỉ là sở thích nhất thời nhưng vì giá trị nhỏ nên các bạn nhấn “Mua” mà không quá bận tâm. Nhiều cái rất nhỏ tích lũy thành khoản chi rất lớn.
>>> Bạn có thể xem thêm: Thói quen nghiện Internet / Mạng xã hội của sinh viên
Không muốn thua kém bạn bè, không muốn bị coi là lạc hậu chính là yếu tố tâm lý quan trọng, thôi thúc họ tiêu xài mà không nghĩ đến hậu quả thiếu thốn về sau của sinh viên Gen Z. Vào mạng xã hội, nhìn thấy những bạn trẻ khoe đồ sang chảnh, được nhiều người ngưỡng mộ, bạn cũng thích được vậy, thế là ra sức mua sắm, đầu tư. Nhiều sinh viên Gen Z còn ganh đua nhau về độ sang chảnh trong trường, cà khịa, tị nạnh, càng khiến bản thân liều lĩnh chi tiêu.
Muốn biết thói quen tiêu xài hoang phí của sinh viên trầm trọng như thế nào, chúng ta cùng nhìn những biểu hiện sau:
Thả ga mua tài liệu học mà không có sự cân nhắc, tham khảo xem có cần thiết hay không. Dẫn đến số lượng sách, giáo trình ngày càng chật phòng nhưng không đọc bao nhiêu cả, giá trị sử dụng không cao.
Học nhóm là phải hẹn ở quán trà sữa hay quán café không gian đẹp, có máy lạnh chứ không chọn thư viện hay sảnh miễn phí của nhà trường để tiết kiệm chi phí. Mỗi lần học nhóm tốn ít nhất cũng trên dưới trăm nghìn.
Không có kế hoạch chi tiêu cụ thể, cứ tới đâu là chi tới đó, thấy còn tiền là còn chi tiêu. Vì vậy, sinh viên cuối tháng hoặc chỉ mới giữa tháng là hết tiền cha mẹ “viện trợ”, phải vay xài trước, đầu tháng sau trả.
Dù là đi học nhưng ngoại hình phải đầu tư từ quần áo hàng hiệu, mỹ phẩm nước ngoài, kiểu tóc hợp thời, đến cả giày, tất, áo khoác… đều phải thật “chất” trước mặt bạn bè.
Chuẩn bị đi làm thêm, các bạn sinh viên thường sẽ trang bị điện thoại thông minh để tiện liên lạc, trao đổi. Thay vì chỉ cần mua điện thoại tầm trung cỡ 2 triệu đổ lại, thì sinh viên Gen Z đầu tư luôn “em” Oppo hoặc Iphone với giá trên dưới 10 triệu, trong khi tính năng sử dụng chỉ cần ở mức thông thường.
Giảng viên gợi ý nên học thêm ngoại ngữ là nhiều bạn sẽ đến ngay các trung tâm để đăng ký khóa học với mức học phí đóng một lần 3 – 6 tháng, nhưng rồi thực tế đến lớp không được bao nhiêu. Trong khi nhiều bạn chọn cách học miễn phí từ các trang web và tài liệu thư viện, hoặc đến các câu lạc bộ ngoại ngữ vừa tiết kiệm, vừa hiệu quả.
>>> Bạn có thể tham khảo: Tổng hợp 10 thói xấu điển hình của sinh viên
Tật xấu tiêu xài hoang phí liên quan trực tiếp đến vấn đề tài chính nên hệ lụy gây ra nhiều tác hại rất lớn:
Chi tiêu hoang phí vào những việc không quan trọng, không thiết thực thì đến khi cần tiền cho các khoản quan trọng, thiết thực bạn lại bị thiếu hụt. Tình trạng này rất hay xảy ra khi đến cuối tháng phải đóng tiền phòng trọ, hoặc đến cuối kỳ phải đóng học phí cho kỳ mới.
Chỉ nghĩ xài tiền mà không cần lo nghĩ cách kiếm tiền khiến sinh viên Gen Z dễ có tâm thế ỷ lại. Tương lai khi gặp bất cứ khó khăn gì, không nhất thiết là khó khăn về tài chính, họ cũng sẽ chuyển hết sự lo nghĩ cho cha mẹ, không bận tâm cha mẹ làm cách nào giải quyết, chỉ cần biết kết quả tốt đẹp mà họ nhận được mà thôi.
Thói quen tiêu xài hoang phí từ những đồng tiền không do mình đổ mồ hôi, sôi nước mắt làm ra sẽ biến sinh viên trở thành những con người ích kỷ trong tương lai. Họ chỉ nghĩ đến lợi ích cá nhân, thích hưởng thụ, đua đòi, coi trọng vật chất hơn tình cảm, cho mình là số 01 mà không trân trọng giá trị lao động của người khác.
Cuộc sống có lúc thăng lúc trầm, đến khi những khoản chu cấp không còn dồi dào như trước nữa, nhưng thói quen tiêu xài hoang phí thì đã hình thành, các bạn sinh viên sẽ cảm thấy khó chịu, bức bối trong lòng, cảm thấy xấu hổ, ngại ngùng với bạn bè… Thế là những toan tính xấu như trộm cắp, tham lam vụ lợi… rất dễ nảy sinh, làm ảnh hưởng đến hồ sơ đạo đức trong tương lai.
Đối mặt với thói quen không tốt, chúng ta cần tìm cách khắc phục càng sớm càng tốt. Điển hình như các giải pháp loại bỏ dần thói quen tiêu xài hoang phí của sinh viên mà quân sư gợi ý sau đây:
>>> Bạn có thể quan tâm: Thói quen lười vận động của sinh viên
Nếu khoản chu cấp hằng tháng cha mẹ gửi lên dư dả, bạn đã may mắn hơn rất nhiều sinh viên khác. Và để sự may mắn này càng được phát huy hơn, bạn nên có kế hoạch chi tiêu hợp lý. Cụ thể, vào đầu tháng khi nhận được tiền từ gia đình, bạn hãy chi tiêu trước cho những việc quan trọng, ví dụ: tiền trọ, tiền ăn, tiền học phí (chia nhỏ mỗi tháng trong kỳ đóng), tiền tài liệu học, tiền xăng / tiền xe bus, và cả tiền trả nợ nữa. Khoản tiền còn dư lại mới được tính cho các việc khác.
Nhiều bạn sinh viên cứ thấy có tiền là sẽ tự ý chi tiêu trước, mặc dù đã để riêng khoản tiền đó cho mục đích khác, nhưng vẫn nghĩ xài trước, bù vào sau. Kết quả là đến hạn thanh toán cho mục đích chính thì lại hết tiền. Nếu bạn chưa khắc phục được thói quen này thì tốt nhất, ngay khi nhận được tiền cha mẹ gửi lên hay tiền làm thêm vừa nhận được, bạn nên thanh toán ngay các khoản cần thiết, tránh giữ tiền trong tay nhiều sẽ dễ phát sinh nhu cầu mua sắm ngoài lề.
Cùng một tính năng sử dụng nhưng sẽ có nhiều sự lựa chọn khác nhau. Dù cần sống tiết kiệm nhưng những gì mang lại giá trị thực tế, bạn cũng cần chi tiêu, chỉ là chi tiêu có cân nhắc một cách hợp lý và khoa học. Chẳng hạn:
Chiếc áo đã rách, bạn nên mua cái mới nhưng có thể mua hàng chợ, chứ không mua hàng hiệu.
Giáo trình học quan trọng, bạn có thể mua sách cũ hoặc lên thư viện trường mượn (nhớ trả đúng hạn bạn nhé, không là bị tính thêm tiền đó)
Tùy theo điều kiện kinh tế của bạn thân, bạn nên thiết lập một tài khoản tiết kiệm hoặc tài khoản thẻ riêng. Đều mỗi tháng gửi vào đó một khoản tiền nhỏ vài trăm hoặc 01 triệu đồng.
Cố gắng hết mức để không dùng đến số tiền đó, dù có bị lậm vào tiền ăn, tiền xe bus, khoản chi tiêu khác cho bản thân… thì vẫn xem đó là khoản dự phòng, cố gắng không rút ra. Tìm giải pháp khác cho vấn đề của mình:
Lậm vào tiền ăn thì mua mì gói ăn những ngày còn lại, chờ khoản chu cấp tiếp theo
Lậm vào tiền xe bus thì dậy sớm hơn, đi bộ đến trường hoặc quá giang bạn bè.
Tìm việc làm thời vụ như phục vụ tiệc, gọt măng cụt xanh, chạy grab… để kiếm thêm khi cần thiết.
Khi thấy thiếu hụt tiền, tâm lý nghiện mua sắm sẽ được điều tiết lại, ý thức thực tế cuộc sống trở nên quan trọng hơn sở thích nhất thời.
Quản lý tài chính hiệu quả sẽ giúp bạn quản lý công việc và cuộc sống rất tốt. Do đó, thói quen tiêu xài hoang phí của sinh viên rất cần được chấn chỉnh ngay. Quân sư TalentBold thiết nghĩ, sự hào nhoáng ở hiện tại không đủ duy trì vị thế mãi mãi, chỉ có những thành công vượt bậc trong tương lai mới là thước đo đánh giá ai hơn ai. Khẳng định bản thân bằng việc chi tiêu những đồng tiền do chính mình làm ra mới thật sự đáng ngưỡng mộ.
-----------------------------------
Chi tiết liên hệ:
Talentbold - We bold your talents
Hotline: 077 259 1080
Mail: sales@talentbold.com
Add: Tầng 12A3, Tòa nhà MD Complex, 28 Nguyễn Cơ Thạch, Nam Từ Liêm, Hà Nội
Nguồn ảnh: internet