maro-news
Image
maro-news
Follow US:
Quick Search
Thư giãn nơi Công sở

Tiêu chuẩn kép là gì? Ảnh hưởng của tiêu chuẩn tại nơi làm việc

Tiêu chuẩn kép là gì? Ảnh hưởng của tiêu chuẩn tại nơi làm việc

Mặc dù cụm từ “tiêu chuẩn kép” dần trở thành một từ vựng mới được mọi người sử dụng nhiều nơi công sở nhưng hàm ý “tiêu chuẩn kép là gì” thì không mấy ai hiểu được trọn vẹn. Bài viết hôm nay, quân sư TalentBold sẽ đóng vai trò sứ giả gửi đến bạn đọc những thông tin giá trị về cụm từ tuy quen mà lạ này, chúng ta cũng theo dõi nhé!

1. Tìm hiểu khái niệm tiêu chuẩn kép

Tiêu chuẩn kép phản ánh việc áp dụng những tiêu chuẩn đánh giá khác nhau cho cùng một sự việc, một hành động. Việc lựa chọn sẽ dựa trên tiêu chuẩn nào mang lại lợi ích, hay ít ra là phù hợp cho mục đích cá nhân của người thực hiện.

Nói một cách đơn giản, tiêu chuẩn kép xảy ra khi có sự đối xử bất bình đẳng và không có sự biện minh hợp lý. Đó có thể là việc bao biện, bênh vực, khen ngợi… hành vi của một người, nhưng nếu người khác cũng hành động như vậy thì lại không được chấp nhận. Vì vậy, có ý kiến cho rằng tiêu chuẩn kép chính là cách nói hoa mỹ về sự bất công, bất bình đẳng giữa những có cùng phạm vi mức độ trách nhiệm.

Ví dụ, trong một phòng ban đi đúng giờ là điều bắt buộc nhưng nhân viên A đi trễ cũng không sao vì đó là con của Giám đốc công ty. Hay việc ở lại làm thêm giờ để hoàn thành trọn vẹn công việc với người này là một hành động đáng khen thưởng, cần biểu dương, nhưng với người khác lại được xem là nghĩa vụ phải làm, không cần ghi thành tích.

2. Cụm từ “tiêu chuẩn kép” bắt nguồn từ đâu?

Thuật ngữ “Tiêu chuẩn kép” sử dụng lần đầu tiên vào năm 1764, áp dụng trong môi trường vật liệu, cụ thể là khái niệm “lưỡng kim” khi pha trộn giữa hai loại kim loại (ví dụ vàng và bạc) theo một tỷ lệ cố định để tạo ra một kim loại làm đơn vị tiền tệ.

Nói đến tiêu chuẩn kép trong khía cạnh đạo đức như bài viết hôm nay đề cập thì có lẽ là bài báo vào năm 1872, nói về sự bất bình đẳng giữa nam và nữ. Theo đó, phái nam được cho là có sức mạnh và quyền lực hơn phái nữ, điều này khiến họ áp đặt nhiều quy tắc nghiêm ngặt về chung thủy, công dung ngôn hạnh bắt phái nữ phải tuân thủ nghiêm ngặt, nếu không sẽ bị chỉ trích nặng, trong khi phái nam thì sẽ được tha thứ, khoan dung nếu vi phạm những quy tắc đó.

3. Tại sao tiêu chuẩn kép lại hiện hữu trong cuộc sống ở mọi thời đại?

3.1. Quan điểm cuộc sống đa chiều

Mỗi người có quan điểm sống khác nhau nhưng chúng ta không thể sử dụng duy nhất quan điểm sống của mình để đối đãi với xã hội được, mà phải rất linh hoạt điều chỉnh, dung hòa để thích ứng với nhiều cá nhân, nhất là trong môi trường làm việc, nơi mà ta không thể chọn bạn để chơi thân như khi đi học. Việc ít nhiều phải nương theo quan điểm của người khác để hành động, lâu dẫn sẽ hình thành những nhận định đánh đồng giữa quan điểm và tính cách, dẫn lối cho hành vi tiêu chuẩn kép.

3.2. Địa vị, cấp bậc, gia thế

Để thành công trong sự nghiệp, giữ đúng “cái tôi” quả thật rất khó khi mà chúng ta phải vừa phải nỗ lực hoàn thành công việc, vừa phải tranh thủ xây dựng các mối quan hệ có lợi cho tương lai. Chính vì vậy, tâm lý ưu tiên theo từng đối tượng rất dễ hình thành. Như việc, con Chủ tịch vào làm việc trong tập đoàn thì trưởng phòng chuyên môn sao dám lớn tiếng, sao dám giao việc khó.

3.3. Cảm xúc theo tình huống

Những việc làm hấp dẫn

Đối mặt cùng một vấn đề nhưng ở hai thời điểm khác nhau thì dù tính chất có giống nhau nhưng cách hành xử ít nhiều sẽ khác, dẫn đến tiêu chuẩn kép. Như thể, Sếp đang bù đầu lo lắng giải quyết công việc gấp, nhân viên lại cầm đơn vào xin nghỉ phép đi du lịch, chu choa, Sếp không cáu mới lạ. Nhưng nếu đó là thời điểm Sếp vừa ghi danh thành tích, chuẩn bị nhận thưởng thì có thể bạn còn được chia sẻ nhiều thông tin du lịch thú vị nữa đây. Đây cũng là lý do tại sao tiêu chuẩn kép “vô tình” rất hay xảy ra.

4. Cách nhận biết tiêu chuẩn kép trong môi trường công sở

Công sở là một môi trường có độ phức tạp cao, nơi mà những lý lẽ chuẩn mực như 1+1=2 đôi khi không được hiện thực hóa. Thay vào đó là những tiêu chuẩn kép khiến bản thân đôi khi phải chấp nhận 1+1 bằng 3 hoặc bằng 1.

Để nhận biết nơi làm việc của mình có những tiêu chuẩn kép nào, bạn cần dựa vào 2 yếu tố sau:

4.1. Cách đối xử khác nhau

Môi trường công sở có rất nhiều hoạt động diễn ra, từ công tác chuyên môn đến mối quan hệ đồng nghiệp. Chỉ cần trong một nội dung có nhiều đặc điểm tương đồng, bạn nhìn thấy xuất hiện sự đối xử khác biệt từ một người dành cho hai hay nhiều đối tượng thì đấy chính là dấu hiệu đầu tiên cần chú ý khi khám phá tiêu chuẩn kép nơi công sở.

4.2. Lý do chính đáng cho sự khác biệt đối xử

Khi đã xác định được yếu tố thứ nhất, khoan vội kết luận đó là “tiêu chuẩn kép”. Bước tiếp theo, bạn cần tìm hiểu xem liệu có cách lý giải hợp lý nào cho việc đối xử khác biệt giữa hai hay nhiều đối tượng trên không. Nếu có thì đó không phải tiêu chuẩn kép, ngược lại, nếu chỉ là những biện minh không thỏa đáng thì hãy ghi chú vào danh sách tiêu chuẩn kép của mình nhé.

Ví dụ: Cùng là nhiệm vụ chăm sóc khách hàng nhưng một nhân viên gọi điện thoại trực tiếp thì không sao, còn người kia thì lại bị la. Nếu lý do là:

  • Khách hàng có những yêu cầu riêng về tiêu chuẩn chăm sóc và đã được phổ biến cụ thể đến nhân viên phụ trách -> Vậy thì đây không phải tiêu chuẩn kép.

  • Gọi điện thoại trực tiếp chỉ những nhân viên thuộc đội nhóm do Sếp trực tiếp quản lý thì mới được thực hiện, còn nhân viên cùng phòng ban nhưng do các nhóm trưởng khác quản lý thì không được -> Tiêu chuẩn kép là đây.

5. Biện pháp ứng phó với tiêu chuẩn kép ở nơi làm việc

Mỗi người trong chúng ta đều phải chịu một số những tiêu chuẩn kép do một cá nhân hoặc một nhóm cá nhân khác áp đặt, thậm chí là do chính bản thân áp đặt cho chính mình.

5.1. Xác định đúng tiêu chuẩn kép

Tiêu chuẩn kép cho thấy sự bất bình đẳng trong mối quan hệ giữa các tầng lớp, địa vị, gia thế... Điều này ở đâu cũng có nhưng không phải mọi hoạt động nơi công sở đều hiện hữu tiêu chuẩn kép. Do đó, điều đầu tiên cần làm khi ứng phó tiêu chuẩn kép chính là xác định đúng đâu là tiêu chuẩn kép. Cách thức đã được quân sư đề cập chi tiết trong mục 4.

5.2. Tìm hiểu nguyên nhân tiêu chuẩn kép

Thường chúng ta chỉ thấy hành động tiêu chuẩn kép chứ không biết được lý do của hành động đó. Trong khi phải hiểu được lý do thì ta mới có thể tránh tiêu chuẩn kép xấu cho mình được. Vậy nên ở bước này, bạn cần mạnh dạn giao tiếp và tìm hiểu lý do thông qua đồng nghiệp lâu năm, hoặc trực tiếp trao đổi khéo léo với người thực hiện tiêu chuẩn kép đó. Bước này cần áp dụng khéo léo vì như bạn biết đấy, tiêu chuẩn kép thì chính là sự bất bình đẳng mà ai ai cũng biết, cho nên chẳng ai nhiệt chia sẻ việc mình áp dụng điều bất bình đẳng cả. Tốt nhất vẫn là thông qua đồng nghiệp mà bạn tin tưởng.

5.3. Khắc phục tiêu chuẩn kép vô tình

Tiêu chuẩn kép không hẳn là nguyên tắc bất di bất dịch, đôi khi chỉ là một cảm xúc vô tình của người áp dụng tiêu chuẩn kép, đến chính bản thân họ cũng không nghĩ mình lại có những cách đánh giá khác biệt như vậy cho cùng một hành động.

Quân sư đề cập bước này vì có thể người thực hiện tiêu chuẩn kép là một người khá thân với bạn. Bạn biết họ không phải là người bất công, chỉ là thỉnh thoảng vô tình áp dụng tiêu chuẩn kép mà thôi. Nhẹ nhàng trò chuyện, chứng minh không có lý do hợp lý cho tiêu chuẩn kép này. Một mặt giúp người đó (đồng nghiệp, quản lý) nhận ra sự bất hợp lý của bản thân để điều chỉnh, một mặt giúp bạn an tâm không trở thành “nạn nhân” tiếp theo của tiêu chuẩn kép vô tình đó.

5.4. Ghi chú nội dung tiêu chuẩn kép

Dù bạn thuộc nhóm có lợi hay bất lợi từ tiêu chuẩn kép, dù người áp dụng tiêu chuẩn kép là vô tình hay cố ý thì việc ghi chú lại tình huống và tiêu chuẩn đều rất hữu dụng. Qua đó, bạn hiểu được vị trí của mình đang ở đâu, mình có những quyền lợi gì nên phát huy, cũng như những hành động mà bản thân nên hạn chế thực hiện tối đa khi triển khai nhiệm vụ công việc.  

5.5. Nhờ sự can thiệp từ cấp trên

Tiêu chuẩn kép xuất hiện với tần suất cao sẽ dẫn đến sự chuyên quyền, độc đoán, gây ra sự bất an về tâm lý, có khi còn là rủi ro trong công việc. Trường hợp bạn đã áp dụng bước 5.3 và 5.4 nhưng tiêu chuẩn kép bất lợi vẫn cứ rình rập bạn thì bạn có thể chọn:

  • Ngưng tương tác nếu người đó không mấy thân, cũng không liên quan nhiều trong công việc, hạn chế tối đa hợp tác cùng họ. Vì là cùng cấp bậc nên bạn có thể chia sẻ lý do hành động này với họ.

  • Liên hệ bộ phận nhân sự để phản ánh với bằng chứng cụ thể nếu người đó là Sếp của bạn. Lưu ý, cách làm này chỉ nên áp dụng ở những môi trường đáng tin cậy, biết giữ bí mật cho nhân viên.

  • Xin chuyển bộ phận với lý do phát triển chuyên môn nếu đó là Sếp của bạn và bạn không an tâm khi phản ánh tiêu cực về Sếp với cấp quản lý cao hơn.

Tiêu chuẩn kép được xem là những nguyên tắc hay chính sách bất thành văn mà mọi người chấp nhận thỏa hiệp và tuân thủ chứ không có bất cứ lời giải thích hay biện minh thích đáng nào. Quân sư TalentBold chia sẻ đến bạn đọc nội dung này để chúng ta hiểu rằng, sự công bằng không bao giờ là tuyệt đối cả, do đó, chúng ta khó có thể xóa bỏ tiêu chuẩn kép nhưng chúng ta có thể nhận thức và hướng hành động theo tiêu chuẩn kép có lợi cho mình nhất.

 
Miễn phí đăng tin tuyển dụng

------------------------------------

Chi tiết liên hệ:
Talentbold - We bold your talents
Hotline: 077 259 1080
Mail: sales@talentbold.com
Add: Tầng 12A.3, Tòa MD Complex, 68 Nguyễn Cơ Thạch, Nam Từ Liêm, Hà Nội, Việt Nam

Nguồn ảnh: internet


 
talentbold

Talentbold

TalentBold là nền tảng hợp nhất trong Quảng bá, Thu hút và Quản lý Tuyển dụng nhân tài giúp Doanh nghiệp đảm bảo nguồn lực dựa trên nền tảng công nghệ phần mềm Quản lý tuyển dụng