- 420k
- 1k
- 870
Chuyên môn để đạt được kết quả công việc là điều quan trọng, nhưng cách đối nhân xử thế để mang đến kết quả đó còn quan trọng hơn vì liên quan mật thiết đến sự phát triển bền vững, lâu dài của cả cá nhân và tổ chức. Dù là thời đại nào thì thái độ của nhân sự luôn được doanh nghiệp chú trọng và coi trọng hơn trình độ. Để hiểu rõ hơn vì sao nói thái độ quan trọng hơn trình độ, chúng ta cùng theo dõi bài viết mà quân sư TalentBold sắp gửi đến hôm nay nhé!
MỤC LỤC
1 - Thái độ là gì?
2 - Trình độ là gì?
3 - Tại sao nói thái độ quan trọng hơn trình độ?
4 - Ví dụ
5 - Bài học
Thái độ là phạm trù thuộc về tâm lý, phản ánh cách mà mỗi người nhìn nhận, đánh giá và hành động giải quyết những vấn đề trong cuộc sống của riêng mình. Thái độ dẫn đến hành động, thông qua đó bản chất, tính cách của mỗi người sẽ được xác định.
Thái độ gắn liền với quan niệm sống của mỗi người, giúp chúng ta khi đối diện với một sự việc sẽ có những suy nghĩ tương đồng với quan niệm sống đó, sau đó biểu hiện ra thành cử chỉ, lời nói, nét mặt, phản ứng… để giải quyết.
Thái độ tốt sẽ cho ra những hành động tốt, được mọi người xung quanh khen ngợi và học tập theo. Còn thái độ xấu sẽ phát sinh những hành động xấu, dẫn đến những kết quả không phù hợp đạo đức, thuần phong mỹ tục, ảnh hưởng đến xã hội.
Trình độ là thuật ngữ phản ánh năng lực hiểu biết và ứng dụng những hiểu biết của bản thân vào quá trình giải quyết vấn đề. Cùng một vấn đề, người có trình độ khác nhau sẽ giải quyết theo cách khác nhau. Mức độ kết quả đạt được cũng vì vậy mà cao thấp, tốt xấu khác nhau.
Khi nhắc đến trình độ, chúng ta hay nói là “trình độ học vấn” – ý chỉ việc nâng cao trình độ thông qua trường lớp giáo dục – như vậy là chưa đủ. Vì những nội dung tạo nên trình độ của mỗi người có thể đến từ việc quan sát xung quanh, tự học theo mọi người xung quanh hoặc được đào tạo chính quy tại các trường lớp giáo dục.
Giống như việc, một người học kinh tế nhưng họ vẫn có thể thay bóng đèn, sửa ống nước trong nhà mặc dù họ không được đào tạo những việc đó, họ tự học qua mạng, tự quan sát người khác làm rồi thử làm, lâu dần làm tốt luôn.
Kết quả công việc là điều rất được quan tâm, đó chính là nơi mang đến những số liệu thống kê để “làm đẹp” các báo cáo tài chính. Muốn kết quả càng tốt thì trình độ phải càng cao, nhưng tại sao các doanh nghiệp, các nhà tuyển dụng vẫn coi trọng thái độ hơn trình độ?
Thái độ chính là tấm gương phản ánh nhân cách, đạo đức của mỗi người. Trong công việc hay bất cứ khía cạnh nào của cuộc sống, chúng ta chắc chắn sẽ không an tâm, và cũng không sẵn lòng hợp tác cùng những người đạo đức không tốt vì bên cạnh họ, ta luôn cảm thấy rủi ro rình rập, cảm thấy bản thân bị thiệt thòi.
Ngược lại, với những người có thái độ tốt, chuẩn mực, chúng ta luôn sẵn sàng và luôn mong muốn được làm bạn, làm đồng nghiệp, đối tác của họ vì ở họ có sự chính trực, chuẩn mực, và giúp ta nâng cao giá trị bản thân. Vì vậy, nếu chúng ta là người có thái độ tốt đó, ta cũng sẽ có được những điều tốt đẹp này.
Mỗi doanh nghiệp là một tập thể, mà một tập thể không thể thành công khi chỉ nhờ vào một hoặc hai cá nhân. Chính vì vậy, tuyển dụng những nhân sự có thái độ làm việc tốt, luôn hợp tác và giảm bớt “cái tôi” khi phối hợp cùng đồng đội chính là nền tảng giúp doanh nghiệp xây dựng tập thể vững mạnh.
Ngược lại, nếu tuyển dụng những nhân tố trịch thượng, hách dịch, cao ngạo, thiếu tôn trọng đồng nghiệp thì không sớm thì muộn tập thể cũng sẽ rời rạc. Nếu quản lý lại coi trọng những nhân tố đó vì thành tích mà họ mang mà không quan tâm đến môi trường làm việc chung thì những nhân sự giỏi khác cũng sẽ từ từ rời doanh nghiệp.
Trình độ là những kiến thức học hỏi được từ trường lớp, từ thực tế công việc nên hoàn toàn có thể trau dồi và nâng cao được. Trong khi thái độ lại thuộc về tố chất đã hình thành từ khi còn nhỏ, được hun đúc trong những môi trường sống khác nhau, chính vì vậy, nó trở thành quan niệm sống của mỗi người. Với vai trò người sử dụng lao động, doanh nghiệp không có đủ thời gian và nguồn lực, cũng không có trách nhiệm để thay đổi thái độ của một nhân sự.
Chính vì vậy, họ sẽ lựa chọn những ứng viên có thái độ sống và làm việc phù hợp với môi trường và văn hóa doanh nghiệp để gắn kết. Họ sẵn sàng đào tạo và tạo điều kiện để những nhân sự có thái độ làm việc tốt nâng cao chuyên môn theo thời gian.
Bất cứ doanh nghiệp nào cũng hướng đến sự phát triển bền vững lâu dài. Bản thân doanh nghiệp qua quá trình phấn đấu, rất vất vả mới gầy dựng được chỗ đứng trên thương trường, rất gian nan mới có được những khách hàng ổn định. Nhưng chỉ cần một nhân viên có thái độ làm việc không chuẩn mực, thiếu tinh thần trách nhiệm, mọi thành quả bao năm có thể tan biến. Nhất là trong thời đại công nghệ thông tin như hiện nay, mọi sự việc đều rất dễ bị lan truyền tạo nên cái cớ để đối thủ cạnh tranh giành mất thị phần.
Đây cũng là lý do mà nhiều doanh nghiệp luôn tổ chức những khóa đào tạo để quán triệt cung cách, thái độ, hành động của nhân viên mới trong quá trình triển khai công việc hay phục vụ khách hàng. Chính thái độ phục vụ mới là lực hút giúp phát triển lượng khách hàng mới tiềm năng và khách hàng trung thành cho tổ chức.
Có một câu chuyện mà quân sư TalentBold vẫn nhớ mãi. Vào một ngày cuối tháng 10 cách đây hơn 05 năm, lúc đó quân sư đến thăm doanh nghiệp của một người bạn. Doanh nghiệp này sản xuất mặt hàng nước uống, nguyên liệu tự nhiên tốt cho sức khỏe, hạn chế tối đa chất bảo quản nhưng cũng vì vậy mà hạn sử dụng khá ngắn, chỉ khoảng 14 ngày.
Trong đội ngũ Sales có một nhân sự vì muốn chạy doanh số và giảm lượng hàng hết hạn trả về kho nên đã không hỗ trợ các cửa hàng nhỏ lẻ trả lại hàng, mà chỉ nhận trả hàng từ các nhà phân phối sỉ. Người này còn nói rằng hạn sử dụng ghi vậy thôi chứ có thể dùng cả tháng, và còn hứa hẹn tăng chiết khấu cho cửa hàng nhỏ lẻ.
Rất may sự việc được phản ánh về quản lý công ty trước khi có những vấn đề đáng tiếc về sức khỏe người tiêu dùng, ảnh hưởng đến uy tín thương hiệu của doanh nghiệp. Doanh nghiệp đã điều tra và hoàn toàn không đồng tình với cách làm thiếu trách nhiệm với khách hàng và thiếu tính bền vững như vậy.
Kết quả nhân viên Sales đó bị cắt 50% hoa hồng trong tháng, còn vị trí nhân viên xuất sắc tháng đã thuộc về người có doanh số đứng thứ hai. Bạn này vẫn đảm bảo doanh số tiêu thụ tốt nhưng bằng thái độ tận tâm như:
Chủ động liên lạc nhắc nhở khách hàng về thời hạn tiêu thụ trong các đơn hàng
Chia sẻ cách thức giảm giá để tiêu thụ kịp hàng trước khi hết hạn
Hỗ trợ định lượng số lượng nhập hàng phù hợp năng lực tiêu thụ ở mỗi đơn vị phân phối…
Thông qua những chia sẻ trên đây, chúng ta đúc kết được nhiều bài học quý giá cho hành trình phát triển sự nghiệp của bản thân, cũng chính là hành trình nâng cao thái độ, nâng cao giá trị con người:
Dù bạn là người có trình độ chuyên môn tốt, được đào tạo ở trường “top” đầu nhưng để có được thành tích công việc cao, chắc chắn luôn cần sự hỗ trợ từ những đồng nghiệp, bộ phận khác. Chẳng hạn bạn làm kế toán thì những số liệu từ các phòng ban gửi về chuẩn xác chính là cơ sở giúp bạn nâng cao thành tích về tốc độ hoàn thành công việc.
Vì vậy, hãy luôn trân trọng và biết ơn những đội ngũ đang phối hợp làm việc cùng mình. Cư xử một cách hòa nhã, trân trọng lẫn nhau, có như vậy, vị thế của bạn trong mắt mọi người càng được nâng cao ở cả trình độ chuyên môn và tư chất đạo đức.
Người giỏi vẫn có thể bị cô lập vì mọi người xung quanh không muốn tiếp cận, trao đổi, họ chỉ miễn cưỡng giao tiếp vì công việc mà thôi. Vì khi nói chuyện với những người giỏi đó, mọi người chỉ toàn thấy sự kênh kiệu, hách dịch, hạ thấp vai trò của các đồng nghiệp, chỉ cho mình là quan trọng, là tuyệt vời nhất. Hợp tác cùng những người đó, chắc chắn không ai cảm thấy hào hứng cả, và dù họ giỏi cũng không nhận được thái độ tôn trọng từ người khác.
Vì vậy, muốn người khác tôn trọng mình, trước hết chúng ta cần tôn trọng họ.
Hãy thể hiện thái độ khiêm tốn trong giao tiếp
Hãy tập trung lắng nghe khi một ai đó muốn nhờ bạn tư vấn vì họ đang rất tin tưởng bạn
Hãy lễ phép với những nhân sự cấp thấp hơn nhưng tuổi đời cao hơn bạn…
Quản lý sẽ không có thời gian để theo sát nhắc nhở bạn, chính chúng ta phải chủ động và luôn nêu cao tinh thần trách nhiệm khi làm việc. Sở hữu thái độ làm việc nghiêm túc, có tính kỷ luật, trách nhiệm trong công việc chính là nền tảng quan trọng giúp bạn phát triển năng lực làm việc, cũng chính là phát triển hình ảnh thương hiệu cá nhân của mình trong mắt quản lý, đối tác và khách hàng.
Những kiến thức hỗ trợ hoàn thành công việc sẽ rất nhiều, doanh nghiệp chỉ định hướng những nội dung quan trọng, mang tính chuyên môn sâu, còn những kiến thức bổ trợ linh hoạt khác sẽ do mỗi cá nhân tự phát hiện và tự chủ động học hỏi thêm. Vì vậy, đừng đợi Sếp bảo học, Sếp buộc học thì mới học. Chúng ta cần chủ động nắm bắt những gì tốt cho công việc của mình và chủ động trau dồi để góp phần nâng cao năng lực làm việc của bản thân. Thái độ chủ động trong công việc sẽ giúp bạn ít gặp sai sót, ít làm phiền mọi người hơn nên chắc chắn luôn được đánh giá cao.
Thực tế, người có chuyên môn giỏi chưa hẳn sẽ được trọng dụng nếu thái độ, tinh thần làm việc kém. Ngược lại nếu thái độ tốt thì dù chuyên môn chưa hoàn hảo, bạn vẫn sẽ là nhân tố được doanh nghiệp nỗ lực giành lấy. Bởi lẽ chuyên môn có thể đào tạo, còn thái độ thì rất khó thay đổi. Đây chính là nguyên nhân vì sao nói thái độ quan trọng hơn trình độ - một thực tế mà quân sư TalentBold luôn khích lệ cả người lao động và doanh nghiệp hướng đến.
------------------------------------
Chi tiết liên hệ:
Talentbold - We bold your talents
Hotline: 077 259 1080
Mail: sales@talentbold.com
Add: Tầng 12A.3, Tòa MD Complex, 68 Nguyễn Cơ Thạch, Nam Từ Liêm, Hà Nội, Việt Nam