- 420k
- 1k
- 870
Vùng sợ hãi có thể khiến bạn không thể hành động như ý mình muốn, thậm chí không thể thở nổi. Nhưng, cứ mãi ở trong vùng an toàn sẽ làm cuộc sống của bạn dần tàn lụi.
Vậy vùng sợ hãi là gì? Phải làm sao để vượt lên khỏi nỗi sợ hãi? Bạn đọc hãy cùng tìm hiểu qua bài viết sau đây của Quân sư TalentBold nhé!
MỤC LỤC:
1- Vùng sợ hãi là gì?
2- Điều gì đang đợi bạn khi rời vùng an toàn để bước vào vùng sợ hãi?
3- Cách giúp bạn vượt lên trên nỗi sợ hãi
3.1- Bình tĩnh, suy xét mọi việc một cách khách quan nhất
3.2- Tìm kiếm giải pháp để liên tục mở rộng vùng an toàn
4- Nên chuẩn bị gì trước khi bước vào vùng sợ hãi?
Vùng sợ hãi (panic zone) là trạng thái tâm lý hoảng loạn, lo sợ ở con người. Khi bước vào vùng sợ hãi, bạn cảm thấy dường như mọi hành động, sự việc đề nằm ngoài tầm kiểm soát của mình. Bạn lo âu, sợ hãi tới mức không thể tìm ra giải pháp cho vấn đề đang gặp phải.
Quân sư biết có không ít bạn muốn làm chuyện gì đó nhưng không dám làm, không đủ tự tin để làm, không cho là mình có đủ khả năng thực hiện việc đó. Tất cả những gì bạn cảm nhận được chỉ là sợ hãi đến tột độ và không biết phải làm sao để vượt qua.
Thực ra, cảm giác sợ hãi là điều rất bình thường ở con người. Cũng không phải do bạn xui xẻo hơn người khác nên mới như vậy. Điểm khác biệt ở đây là có người hiểu được và biết cách mở rộng vùng an toàn của bản thân để không bị nỗi sợ hãi quấn lấy.
Bạn cho rằng những diễn giả, những người thành công không biết sợ? Không đúng đâu. Sở dĩ người ta đạt thành công như bạn thấy là vì họ có sự tự tin. Họ tin vào năng lực của bản thân. Họ luôn kiên trì, nỗ lực và chăm chỉ rèn luyện sự tự tin.
>>> Xem thêm: Vùng an toàn là gì? 8 cách thoát khỏi vùng an toàn hiệu quả
Mỗi người đều có 4 khu vực tâm lý đó là vùng an toàn, vùng sợ hãi, vùng học hỏi và vùng phát triển. Bất cứ ai cũng xoay quanh 4 vùng này. Cũng không có ai biết hết mọi thứ, không có ai là không biết sợ hay chỉ biết đến sự an toàn, thoải mái.
Một khi rời khỏi vùng an toàn, bạn sẽ phải đối mặt với những thứ xa lạ, không quen thuộc. Bạn trở nên lo lắng, sợ hãi, thậm chí là cứng đơ người, không biết phải làm gì, làm như thế nào.
Thực ra thì nỗi sợ hãi này cũng không quá đáng sợ như cách bạn tưởng tượng đâu. Chỉ cần dám can đảm bước ra, đối mặt với nó bạn sẽ thấy mọi thứ đều có cách giải quyết. Sẽ không có tình huống nào thực sự bế tắc, không có lối thoát.
Bạn sẽ cần có sự dũng cảm đủ lớn để rời đi vùng an toàn và bước vào vùng sợ hãi. Tuy nhiên, hãy đảm bảo bạn hiểu rõ việc mình đang làm, cũng đừng gượng ép bản thân phải tiến vào vùng sợ hãi hoặc để ai đó đẩy bạn vào trạng thái hoảng loạn, lo âu.
Trong vùng sợ hãi, bạn không thể sử dụng các kiến thức, kinh nghiệm trước đó để giải quyết các vấn đề phát sinh. Mọi thứ trở nên vô cùng lạ lẫm với bạn. Đôi khi nó tạo ra áp lực lớn đến mức khiến bạn cảm thấy nghẹt thở.
Nếu bạn cảm thấy không thể khống chế được bản thân hơn nữa thì hãy rời khỏi vùng sợ hãi và quay lại vùng an toàn. Tại đó, bạn có thể phục hồi lại tinh thần và tiếp tục chinh phục nỗi sợ hãi.
Đối mặt với những vấn đề chưa từng gặp trước đây sẽ khiến bạn cảm thấy lo lắng, sợ hãi. Nhưng, bạn không nên vì sợ hãi mà bỏ qua cơ hội để tiến vào vùng phát triển – nơi mà bạn có thể học hỏi được nhiều kiến thức, kỹ năng mới.
Quá trình học hỏi, trải nghiệm mang đến cho bạn sự tự tin vào bản thân. Đồng thời, nó cũng giúp bạn tiến vào trạng thái sẵn sàng để chinh phục các thử thách mới. Nếu có thể đặt chân vào vùng phát triển, bạn sẽ nhanh chóng thích nghi với mọi tình huống và thành công giải quyết các vấn đề khó khăn.
Việc bước ra khỏi vùng an toàn sẽ rất khó khăn. Trước khi thực hiện việc này, bạn nên có lộ trình cụ thể để không lạc hướng. Đồng thời, hãy tạo cho mình một nền tảng vững chắc và nguồn sức mạnh tinh thần dồi dào. Bằng những hành động nhỏ hôm nay, bạn sẽ có đủ sức mạnh thay đổi cuộc đời trong tương lai.
Đôi khi, nỗi sợ hãi của bạn là thứ rất tào lao. Do đó, bạn đừng nên để nó che khuất tầm mắt mà bỏ lỡ cơ hội cải thiện, phát triển bản thân cũng như vươn tới thành công trong cuộc sống và sự nghiệp.
Để vượt qua nỗi sợ hãi, bạn có thể làm như sau:
Bất cứ ai trong chúng ta đều sẽ cảm thấy những nguy cơ rủi ro đang rình rập khi rời khỏi vùng an toàn. Chẳng hạn, bạn quyết định move on khỏi công việc hiện tại, ngay lập tức trong đầu bạn sẽ xuất hiện những tình huống xấu nhất có thể xảy đến. Đây là biểu hiện cho thấy bạn đã rơi vào vùng sợ hãi.
Tuy nhiên, những gì bạn tưởng tượng ra lại không phải sự thật. Nghỉ việc chắc chắn sẽ khiến bạn phải đối mặt với một số nguy cơ nhưng không nghiêm trọng tới mức không thể xử lý.
Khi quyết định rời đi vùng an toàn, bạn nên tự hỏi mình xem bạn đang thực sự lo lắng điều gì? Điều bạn lo lắng có khả năng xảy ra không hay bạn chỉ đang phỏng đoán và sợ hãi quá mức?
Đứng trước nỗi sợ hãi, bạn nên dành thời gian suy nghĩ, đánh giá mọi việc theo hướng khách quan nhất. Nếu làm như vậy, bạn sẽ nhận thấy những thứ bạn sợ hãi thực ra chỉ là rủi ro có thể kiểm soát và bạn cũng tự thoát ra khỏi vùng sợ hãi của bản thân để tiến vào vùng phát triển.
Có thể thấy, bằng cách giữ bình tĩnh thay vì lo sợ, bất an mà bạn có thể thích nghi với những thay đổi khi rời xa vùng an toàn. Đồng thời, bạn cũng nhận ra những cơ hội trước đó bị nỗi sợ hãi che mất khỏi tầm mắt.
>>> Xem thêm: Nghị lực là gì? Làm thế nào trở thành người có ý chí nghị lực mạnh mẽ
Khi rơi vào vùng sợ hãi bạn sẽ có xu hướng tìm cách quay lại vùng an toàn và không muốn rời khỏi đó. Tuy nhiên, chỉ khi bạn rời đi vùng an toàn, mở rộng nó và tiến vào vùng học hỏi thì cơ hội học tập, phát triển mới đến với bạn.
Mở rộng vùng an toàn là cách hữu hiệu giúp bạn tăng dần sự tự tin. Theo đó, những thứ bạn từng sợ hãi đều sẽ dịch chuyển sang vùng học hỏi và dần dà bạn có thể làm chủ được chúng.
Nếu bạn đang dự định làm gì đó trong thời gian tới, hãy liệt kê những việc muốn làm, cân nhắc các rủi ro liên quan. Sau đó, hãy tìm cách để đưa những điều bạn chưa biết vào vùng học hỏi bằng cách tham gia khóa học, dự án hoặc là các buổi hội thảo, sự kiện chuyên ngành.
Cách làm trên sẽ giúp bạn tích lũy kiến thức, kỹ năng và các trải nghiệm mới mẻ. Từ đó, bạn có thể hiểu rõ những rủi ro, cơ hội khi rời đi vùng an toàn cũng như càng thêm tự tin đối mặt các vấn đề gặp phải trong vùng sợ hãi.
Bằng cách duy trì trạng thái cân bằng giữa sự an toàn và việc học hỏi những thứ mới lạ mà bạn không bị nỗi sợ hãi nhấn chìm. Sau khi cảm thấy mình đã nắm chắc vấn đề, bạn có thể an tâm rời đi vùng an toàn và tiến vào vùng phát triển mà không gặp áp lực quá lớn.
Hãy nhớ, vùng sợ hãi chính là hành lang dẫn bạn bước vào vùng học hỏi. Vì vậy, bạn cần học cách đi qua nó nếu muốn tiến xa hơn.
Một khi vùng an toàn của bạn được mở rộng, cuộc sống của bạn sẽ ý nghĩa hơn và bạn cũng có nhiều trải nghiệm thú vị khác. Đồng thời, bạn cũng tự tin hơn với những quyết định của mình và không ngừng tìm kiếm những thành công mới.
Lựa chọn ở lại vùng an toàn hay rời đi để tiến vào vùng sợ hãi là quyết định của riêng mỗi người, không ai có quyền ép bạn phải làm gì, làm thế nào. Nền tảng mỗi người là khác nhau, kinh nghiệm sống cũng không giống nên không thể có cùng một hành trình như nhau.
Tuy nhiên, khi đã quyết định bước vào vùng sợ hãi, bạn nên chuẩn bị thật kỹ càng. Hãy đảm bảo bản thân đã được trang bị các kiến thức, kỹ năng cần thiết để không bị đánh ngã bạn nhé!
Ngoài ra, bạn cũng có thể cân nhắc những điều sau nếu muốn bước vào vùng sợ hãi:
- Mọi thành quả bạn đạt được đều phải trả giá. Nếu bạn muốn tiến xa hơn, cao hơn thì chắc chắn bạn phải đối mặt với vùng sợ hãi.
- Vùng sợ hãi không phải lúc nào cũng nguy hiểm, gian nan quá sức như bạn tưởng tượng. Bạn phải hiểu rằng, nỗi sợ phát xuất từ chính suy nghĩ của mỗi người và đó là cơ chế tự bảo vệ của cơ thể bạn.
- Khi bạn thực sự bắt tay làm việc gì đó, nỗi sợ sẽ biến mất. Tức là, bạn sẽ thấy mọi thứ không hoàn toàn diễn ra như những gì bạn lo sợ khi bạn thực sự làm việc mình muốn làm.
- Chuẩn bị hành trang, trạng thái tinh thần tốt nhất trước khi thực hiện bất cứ quyết định nào. Nhưng, bạn cũng đừng trì hoãn quá lâu nhé. Nếu kéo dài quá trình quá mức, bạn dễ bỏ cuộc vì quá sợ hãi.
- Bạn chắc chắn sẽ phải tự mình trải qua vùng sợ hãi, nhưng đừng quên quanh bạn vẫn còn bạn bè, người thân và các mối quan hệ khác. Họ đều có thể trợ giúp, tiếp thêm sức mạnh tinh thần cho bạn khi tiến vào con đường khó khăn phía trước.
Cho dù bạn là ai, trạng thái hiện tại như thế nào thì việc ở quá lâu trong vùng an toàn đều sẽ khiến bạn cảm thấy nhàm chán. Vì vậy, hãy để tầm nhìn của mình vươn xa hơn, nhìn nhận bản thân một cách khách quan nhất và từng bước phát triển để có một cuộc sống thú vị hơn bạn nhé! Chúc bạn thành công!
------------------------------------
Chi tiết liên hệ:
Talentbold - We bold your talents
Hotline: 077 259 1080
Mail: sales@talentbold.com
Add: Tầng 12A.3, Tòa MD Complex, 68 Nguyễn Cơ Thạch, Nam Từ Liêm, Hà Nội, Việt Nam
Nguồn ảnh: internet